Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất lùi giờ bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30: Cứng nhắc và không khả thi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến đề nghị thời gian bắt đầu làm việc mỗi ngày vẫn nên thực hiện như hiện nay để đảm bảo sức khỏe cho người lao động (NLĐ) và tránh tắc nghẽn giao thông.

 Lùi giờ làm việc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Hải Linh
Cùng khung giờ, hiệu suất làm việc không cao
Ngay khi biết được thông tin dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) điều chỉnh giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30 thay vì 8 giờ, nhiều công chức, viên chức hết sức băn khoăn. Chị Nguyễn Thanh Thủy đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công ở quận Cầu Giấy chia sẻ, mỗi sáng chở một con đến trường tiểu học, một con đến trường mầm non rồi đến cơ quan vừa lúc 8 giờ. “Nếu giờ làm việc đổi từ 8 giờ thành 8 giờ 30 và kết thúc lúc 17 giờ 30, mỗi ngày tôi phải đóng thêm 50.000 đồng cho một tiếng đón con muộn. Như vậy, mỗi tháng tôi phải nộp thêm cho nhà trường trên 2 triệu đồng tiền đón con muộn, trong khi lương không tăng. Đó là chưa kể, ai ra đường cũng cùng một khung giờ sẽ dẫn đến cảnh tắc đường gây mệt mỏi, đến cơ quan làm việc không hiệu quả” - chị Thanh Thủy cho hay.
Ở Pháp và các nước châu Âu, thời gian làm việc theo mùa. Mùa Hè, họ làm việc sớm vì sáng sớm, mùa Đông làm việc muộn hơn. Quy định giờ bắt đầu làm việc hết sức quan trọng. Nếu hệ thống công quyền đồng bộ được giờ bắt đầu làm việc trong một tỉnh thì rất tốt. Trong toàn quốc nên có quy định bắt đầu giờ làm việc từ 8 giờ đưa vào trong Bộ luật Lao động, còn 8 giờ 30 muộn quá.

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội.

Vì thế, chị Thủy và nhiều công chức, viên chức, chuyên gia không đồng tình với đề xuất điều chỉnh giờ bắt đầu làm việc của Bộ LĐTB&XH dựa trên các lý do, như: Giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước chưa phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng An từng sống và học tập ở 48 nước nhận thấy: Rất ít các nước văn minh thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc, kể cả những quốc gia có diện tích nhỏ bé như Hà Lan, Thụy Điển. Thậm chí một số nước còn cho phép NLĐ tự chọn giờ làm việc linh hoạt hoặc làm việc trực tuyến, miễn sao đảm bảo năng suất lao động (NSLĐ). Vì thế, ông An đề nghị không quy định cứng nhắc giờ làm việc (theo kiểu suy nghĩ để dễ quản lý tập trung), đặc biệt với tình trạng giao thông như hiện nay tại các đô thị lớn, đi làm cùng một giờ là chưa phù hợp. Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cũng bày tỏ quan điểm, một đất nước có tới 95 triệu dân thì không phải thống nhất giờ làm việc, mà phải tạo điều kiện thời giờ làm việc linh hoạt. Dẫu biết rằng, tất cả các cơ quan đều làm việc từ 8 giờ 30 thì những hoạt động dịch vụ được tiến hành cùng lúc sẽ đồng bộ. Nhưng lại có nhược điểm, tất cả mọi người đều ra đường đi làm cùng một lúc dẫn đến chen nhau vì đường tắc, khi đến cơ quan mệt mỏi, hiệu quả làm việc sẽ không cao.
 
Giờ làm việc nên linh hoạt

Hiện nay, tùy vào từng nước như hàn đới và ôn đới, buổi sáng sương mù rất lạnh nên người ta thường làm việc từ 9 giờ. Với điều kiện khí hậu Việt Nam mùa Hè nắng nóng, mùa Đông lạnh, thời gian bắt đầu làm việc từ 8 giờ được nhiều người đồng tình hơn cả; cũng bởi thuận tiện đưa - đón con đi học. “Tôi hiểu Bộ LĐTB&XH có ý tốt cho NLĐ và muốn năng suất lao động cao nhưng phải căn cứ vào điều kiện thực tế. 8 giờ 30 mặt trời đã lên tới đỉnh đầu mà mọi người mới đi làm là quá muộn. Tôi đề nghị Bộ LĐTB&XH tham khảo ý kiến của mọi người và nghiên cứu lại. Theo tôi, tùy theo đặc thù của từng địa phương, chỉ nên quy định khung từ 7 giờ 30 cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi; còn TP lớn và các tỉnh miền xuôi, thời gian làm việc bắt đầu từ 8 giờ” - bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đưa ra ý kiến.
Theo tôi, quy định giờ bắt đầu làm việc như hiện nay là hợp lý, không cần thiết phải thay đổi làm xáo trộn cuộc sống. Chúng tôi đã cân đối, bố trí giờ đưa đón con đi học và đi làm hợp lý. Bộ LĐTB&XH nên tham khảo đại đa số ý kiến của người dân, người lao động để đưa ra quyết định phù hợp.

Chị Trần Lan Anh, phường Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Từ thực tế đang thực hiện giờ làm việc mùa Hè từ 7 giờ, mùa Đông 7 giờ 30, ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng LĐTB&XH Ba Vì cho rằng 8 giờ 30 mới bắt đầu công việc thì không hợp lý. Quy định nghỉ trưa 60 phút là quá ít. Bởi không phải cơ quan nào cũng có bếp ăn, nhiều người phải đi ra ngoài ăn trưa. Lại có những người về nhà, thời gian di chuyển 15 phút, cộng với chế biến, nấu nướng 15 phút, rồi ăn uống xong, quay về tới cơ quan đã hết 60 phút rồi. Như vậy chẳng còn thời gian NLĐ được nghỉ ngơi, lại bắt đầu làm việc buổi chiều ngay sẽ rất mệt. “Theo tôi, mùa Hè nên làm việc từ 7 giờ 30, mùa Đông từ 8 giờ, cân đối thời gian nghỉ trưa một cách khoa học, làm sao đủ 8 tiếng mỗi ngày. Chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định thời gian làm việc theo các quy định mốc giờ được nêu trong Bộ luật Lao động để phù hợp với thực tế địa phương, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ” - ông Trung đề xuất. Bà Lan Hương cho rằng, thời buổi kinh tế thị trường, kinh tế chia sẻ, có rất nhiều cách để làm việc, kết nối thủ tục hành chính chứ không nên có tư duy quản lý tập trung. Thời gian làm việc cần linh hoạt, nhất là về mùa Hè, khí hậu miền Trung nắng nóng, quy định làm việc từ 8 giờ 30 không phù hợp. Giờ bắt đầu làm việc nên được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh quy định thực hiện, có thể buổi sáng từ 7 giờ 30.

Nhiều ý kiến đề nghị không thể áp dụng thống nhất một khung giờ bắt đầu làm việc cho tất cả các tỉnh, TP. Trong Bộ luật Lao động nên đưa ra vài khung giờ để cho từng địa phương lực chọn một phù hợp với thực tiễn. Chỉ có thể thống nhất giờ bắt đầu làm việc trong một tỉnh, thành để việc kết nối các dịch vụ được thông suốt. Mục tiêu đối đa của giờ bắt đầu làm việc phải bảo vệ được sức khỏe NLĐ và năng suất lao động được tăng lên.
Tôi ủng hộ thời gian đi làm buổi sáng muộn bởi xã hội hiện đại, mọi người hay thức khuya, nếu đi làm sớm quá, NSLĐ sẽ giảm. Thứ nữa, buổi sáng làm việc muộn một chút, quỹ thời gian rộng hơn thì việc tổ chức giao thông sẽ dễ dàng hơn. Một số nghiên cứu ở các nước châu Âu cho thấy thời gian làm việc buổi sáng quanh khoảng 10 giờ là tốt nhất.

Theo tôi, không nên quy định cứng nhắc thời gian bắt đầu làm việc mà nên linh hoạt, có thể theo điều kiện vùng miền và thuận tiện cho đưa đón con. Có thể chia thành các khung 7 giờ 30, 8 giờ, 8 giờ 30 để các địa phương lựa chọn. Bộ LĐTB&XH cần có nghiên cứu khung giờ hợp lý để không gây ra mệt mỏi hay ùn tắc giao thông, tránh giảm NSLĐ, giảm sức khỏe của Nhân dân.

TS Đặng Minh Tâm - bộ môn Đường bộ, Đại học (ĐH) GTVT