Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Tăng trách nhiệm, tạo sự chủ động

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đang đề xuất phương án chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh từ cơ quan thẩm tra sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh.

Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 84 của Hiến pháp thì Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan T.Ư của tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước UBTV Quốc hội. Điều 96 của Hiến pháp quy định Chính phủ là cơ quan đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, UBTV Quốc hội; trình dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, UBTV Quốc hội. Do vậy, các cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh, trong đó có Chính phủ, phải chủ trì, chịu trách nhiệm từ khâu đề xuất, soạn thảo, trình, tiếp thu, chỉnh lý cho đến khi dự thảo luật, pháp lệnh được thông qua.
Hiến pháp quy định, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến và lập pháp. Theo quy định này thì Quốc hội thực hiện quyền lập pháp của mình bằng việc xem xét, thông qua hoặc không thông qua dự án luật do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đề xuất, soạn thảo và trình. Quốc hội không phải là cơ quan trực tiếp soạn thảo và trình các dự án luật.

Sửa đổi Luật ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp đề xuất phương án chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh từ cơ quan thẩm tra sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh. Theo Bộ Tư pháp, phương án nói trên thì UBTV Quốc hội vẫn là cơ quan chỉ đạo việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Trong trường hợp UBTV Quốc hội hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Ưu điểm của Phương án này nhằm bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh từ khi đề xuất, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi cho việc quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua, bảo đảm cho luật, pháp lệnh có tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống.

Phương án nói trên cũng phù hợp với nguyên tắc phân công, phân nhiệm và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Đồng thời đề cao sự phản biện nhằm góp phần bảo đảm tính khách quan và độc lập của hoạt động thẩm tra; cơ quan đã thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không nên chủ trì việc chỉnh lý, tiếp thu dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết mà mình đã thẩm tra.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL hiện đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.