Trong Tờ trình số 138/TTr-LĐTBXH gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH nêu rõ: Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc (dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản,...) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.
Tuy nhiên, trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do thiếu hụt lao động, một bộ phận lao động áp dụng “3 tại chỗ” có nhu cầu làm thêm quá 40 giờ trong một tháng để bù cho lực lượng lao động thiếu hụt.
Bên cạnh đó, khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều DN và người lao động cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc, với nhu cầu làm thêm trên 40 giờ/tháng và từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm mà không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, nhu cầu rất lớn của DN hiện nay là cần có cơ chế, chính sách để dồn lực cho sản xuất ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Nếu không có cơ chế, chính sách để DN phục hồi dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể DN chuyển dịch đầu tư sang các nước khác có cơ chế, chính sách tốt hơn.
Việc làm thêm giờ sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản,...do đến mùa cần thu mua, chế biến nhưng các DN chế biến không bảo đảm về nguồn nhân lực để thu mua và chế biến cho người dân do tác động của đại dịch.
Từ thực tế trên đã cho thấy các quy định giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn hiện nay dưới tác động của đại dịch Covid-19.
“Việc cho phép người sử dụng lao động áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng là 72 giờ và được làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong khoảng thời gian nhất định là cần thiết” – Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.
Bộ LĐTB&XH cũng nêu quan điểm, việc điều chỉnh quy định về thời gian làm thêm giờ phải bảo đảm phù hợp với bối cảnh hiện nay, dự báo được khoảng thời gian thực hiện, bảo đảm sức khỏe của người lao động để duy trì khả năng lao động lâu dài, đồng thời phải bảo đảm sự đồng thuận của người lao động trong quá trình thực hiện.