Ngược lại, không ít người nêu quan điểm, tăng học phí đại học ngay trong năm học này là chưa đúng thời điểm vì kinh tế, đời sống của người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch.
Chưa thống nhất về cơ chế học phí
Sở dĩ việc đề xuất tăng học phí đại học của Bộ GD&ĐT gặp nhiều phản ứng vì Tờ trình được công bố sau thời điểm khai giảng năm học mới, đồng nghĩa với việc các nhà trường đã công khai hoặc tạm thu học phí năm học 2023 – 2024 với mức ổn định như năm học trước. Tâm lý người học thì mong muốn đây là mức học phí chính thức áp dụng vì trước đó, thông tin về việc “Chính phủ đề nghị chưa tăng học phí” được dư luận đồng tình, phấn khởi đón nhận.
Tại Thông báo số 300/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ban hành hồi đầu tháng 8 có nội dung đề nghị các nhà trường “không tăng học phí năm học 2023 – 2024”. Thực hiện yêu cầu này, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí theo hướng không tăng; trong số đó có Trường Đại học (ĐH) Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, trường thu khoảng 10,6 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến. Mức thu mới tương tự năm học 2020 - 2021, đồng nghĩa 4 năm trường không tăng học phí.
Nhiều trường ĐH lớn cũng đưa ra mức tạm thu học phí học kỳ I năm học 2023 - 2024 bằng năm ngoái, như: Trường ĐH Ngoại thương thu từ 10 - 35 triệu đồng; Học viện Ngoại giao 9,5 - 20,75 triệu đồng. Đây là mức thu thấp hơn dự kiến của 2 trường này khoảng 1 - 2,5 triệu đồng/học kỳ.
Theo Đề án tuyển sinh năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến thu học phí chương trình chuẩn là 23 - 29 triệu đồng/năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Học phí chương trình chất lượng cao, quốc tế và liên kết quốc tế của trường là 25 - 90 triệu đồng, tương tự năm 2022.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thông báo sẽ sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí công lập hồi cuối tháng 7, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định giữ nguyên mức thu học phí học kỳ I là khoảng 10 triệu đồng, tức ổn định như 2 năm qua. Từ học kỳ II, nếu Chính phủ quy định không tăng học phí, trường vẫn thu như học kỳ đầu. Nếu được phép tăng, trường chỉ tăng tối đa 8%.
Với Trường ĐH Thương mại, học phí chương trình đào tạo chuẩn là từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo, tương đương 23 - 25 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp: từ 3,52 - 4 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo, tương đương khoảng 35,2 - 40 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp là 2,5 triệu đồng/tháng, tương đương 25 triệu đồng/năm. Mức thu học phí hằng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề (theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ).
Năm học 2023 - 2024, học phí Trường ĐH Thủ đô tăng 15 - 25% (tùy từng ngành học) so với năm học trước; tuy nhiên, mức tăng chưa đến trần học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tại Nghị định 81, mức tăng học phí tối đa từ 30 - 53% tùy từng ngành học).
Như vậy, hiện mức học phí giữa các trường ĐH là không thống nhất khi trường thì tăng, trường lại giữ ổn định; đặc biệt, mức học phí này đa phần vẫn là tạm tính. Sau khi Bộ GD&ĐT đề xuất, Chính phủ sẽ là cơ quan quyết định phương án cuối cùng.
Nhiều băn khoăn lo lắng
Thực chất Tờ trình Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ về vấn đề học phí là đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện Nghị định 81 với khối ĐH nhưng lùi lộ trình 1 năm so với quy định.
Nêu quan điểm, nếu học phí năm học 2023 - 2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao và trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội. Mặt khác, hầu hết các nhà trường khi được hỏi đều thống nhất đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022 - 2023 nhưng có thể chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định; tức là thay vì áp khung học phí năm học 2023 - 2024 theo Nghị định 81 các trường sẽ thu theo mức học phí năm 2022 - 2023 của nghị định này.
Rõ ràng, đối với người học, việc lùi 1 năm tăng học phí so với quy định sẽ góp phần giảm áp lực tài chính. Và theo đó, dù tăng học phí nhưng với mức tăng thấp hơn quy định tại Nghị định 81 thì sinh viên vẫn là người được hưởng lợi.
Từ lý lẽ trên, Bộ GD&ĐT đề xuất: mức trần học phí với đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng (tùy khối ngành), thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng như Nghị định 81. Mức thu hiện nay là 980.000 đồng - 1,43 triệu đồng/tháng. Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4 - 6,15 triệu đồng/tháng.
Đề xuất trên của Bộ GD&ĐT dù thể hiện sự chia sẻ với phụ huynh, sinh viên trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn; tuy vậy đề xuất này vẫn khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng bởi dù mức tăng là bao nhiêu thì cứ tăng học phí là họ phải vất vả hơn để tăng thêm thu nhập.
Có con đỗ nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Thương mại, anh Nguyễn Văn Phong, quê Phúc Thọ từng yên tâm khi đọc thông báo của trường về việc cam kết thực hiện đúng quy định về học phí. “Thời điểm trường có thông báo là lúc Chính phủ ra yêu cầu không tăng học phí. Tôi hiểu rằng, học phí của trường sẽ không tăng. Nếu giờ cho phép tăng ngay trong năm học này thì phụ huynh, sinh viên sẽ bị động. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 còn rất nặng nề, chúng tôi phải cố gắng chắt chiu, vay mượn mới có đủ tiền đóng học cho con. Nếu học phí tăng ngay trong năm học này, tôi thật sự bất an” - phụ huynh này cho biết.
Về vấn đề trên, một chuyên gia giáo dục nêu quan điểm: thực hiện cơ chế tự chủ ĐH, việc tăng học phí theo lộ trình là cần thiết để bảo đảm cho các trường vận hành, hoạt động, nhất là trong giai đoạn thực hiện mạnh mẽ cơ chế tự chủ ĐH. Tuy nhiên, những chính sách về học phí nên được quyết định sớm, trước khi sinh viên nhập học để không những bảo đảm công tác quản trị của nhà trường mà còn tạo sự chủ động cho sinh viên, phụ huynh. Rõ ràng, chi phí học ĐH luôn là mối quan tâm lớn của xã hội, nhất là với gia đình nông thôn và người lao động nghèo.
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2023, có gần 20% thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 không nhập học. Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra, có nguyên nhân do học phí ĐH cao hoặc tăng mạnh. Do vậy, trước tình hình khó khăn hiện nay, ngoài các cơ chế cho vay vốn ưu đãi, tặng học bổng…, Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách cấp bù học phí cho các nhà trường, ít nhất trong năm học 2023 - 2024 để sinh viên không bị cản bước trên con đường đi đến ước mơ do vấn đề tăng học phí.
Bộ GD&ĐT cho hay: trong các năm 2021, 2022, 2023, Chính phủ đã yêu cầu các trường ĐH, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19. Do vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành (năm 2021) đến nay chưa được áp dụng; đồng nghĩa với việc, mức thu học phí đã giữ nguyên trong 3 năm học liên tiếp.
Tháng 8/2023, Chính phủ chỉ đạo và Bộ GD&ĐT lấy ý kiến của các địa phương, các trường ĐH, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế. Nhiều ý kiến cho rằng, học phí năm học 2023 - 2024 cần phải điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm...