Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Cần nghiên cứu các yếu tố bất lợi

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ 2 phương án tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, với phương án kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ các yếu tố bất lợi cũng như lộ trình thực hiện.

Không đảm bảo sức khỏe được nghỉ hưu sớm

Sau nhiều cuộc tranh luận, Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu có điều chỉnh so với trước. Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu giữ như hiện nay là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 58. Ở phương án này, tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình, mỗi năm tăng 3 tháng để không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động. Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nghiêng về phương án 2 bởi phù hợp với thực tế hiện nay khi mọi người có sức khỏe tốt hơn trước, sống lâu hơn cần cống hiến nhiều thêm cho xã hội. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng là cách tháo gỡ cho quỹ bảo hiểm không bị vỡ.

Hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ hành chính tại BHXH TP Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình cho rằng phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn hiện nay là cần thiết để tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với sự phát triển xã hội. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ phân tích, những người về hưu không có việc làm sẽ rất buồn, họ rất mong được tiếp tục làm việc. Tất nhiên, ở phương án 2, Bộ LĐTB&XH phải nghiên cứu, khảo sát người lao động làm việc trong từng ngành nghề. Đối với những người không làm việc trong những ngành “nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” như giáo viên phổ thông phải đứng lớp liên tục, điều dưỡng viên, y tá không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc thì nên xem xét chứ không thể cứng nhắc áp dụng kéo dài. Còn theo quan điểm của ông Vũ Mão: “Những người không đảm bảo sức khỏe để làm việc muốn được về hưu sớm, nên giải quyết. Nhưng vẫn phải thực hiện trên cái nền nam đủ 60, nữ 55 tuổi. Tôi tin số người nằm trong trường hợp này không nhiều”.

Cân nhắc lộ trình, tuổi lao động làm nghề độc hại

Nghiêng về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập vẫn còn những băn khoăn. Bộ LĐTB&XH đưa ra 6 lý do có lợi khi kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng không đề cập đến những khó khăn, hạn chế, giải quyết việc làm cho hơn 202.300 người lao động trẻ có trình độ cao đang thất nghiệp. Bộ cũng chưa nói rõ kéo dài tuổi nghỉ hưu, người lao động làm việc ở những ngành nghề “nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” theo danh mục của Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH có phải theo. Hiện, tuổi nghỉ hưu của nhóm ngành nghề này với nam là 55 và nữ 50, vậy tới đây khoảng cách 5 năm được tính theo tuổi nghỉ hưu cũ hay mới? Nếu áp dụng theo tuổi mới, phụ nữ làm trong các ngành “nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” sẽ nghỉ hưu ở tuổi 53, nam 58 tuổi, rất khó thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Nếu bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2020 theo lộ trình 1 năm tăng thêm 3 tháng, sẽ mất 8 năm thực hiện đối với nam và 12 năm đối với nữ. Như thế, đến năm 2028, hoàn thành kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 và năm 2032 với nữ là 58 tuổi. “Lộ trình thời gian thực hiện kéo dài tăng tuổi nghỉ hưu như thế là nhanh. Ở các nước, lộ trình từ 15 - 20 năm mới hoàn thành quá trình tăng tuổi nghỉ hưu. Thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu nhanh sẽ tạo sức ép cho xã hội về việc làm và các vấn đề khác rất khó được nhiều người đồng tình” – ông Dũng tính toán và đề nghị nên có thêm một phương án lộ trình kéo dài tuổi nghỉ hưu 1 năm tăng thêm 2 tháng để làm chậm quá trình cũng như giảm bớt sức ép của xã hội.

Hiện nay, lao động trong các khu công nghiệp làm việc cho các DN FDI về dệt may, giày da, điện tử, lắp ráp ô tô với cường độ rất cao. Nhiều DN đang có xu hướng tuyển lao động trẻ nhanh tay, khéo tay, tinh mắt thì tuổi càng cao sẽ bị hạn chế khả năng thích ứng công việc. Nếu kéo dài tuổi làm việc thì ảnh hưởng đến cơ hội làm việc của thanh niên, và số người xin nghỉ hưu sớm sẽ tăng. Lúc đó, DN đẻ ra chính sách tình huống giải quyết lao động mất sức về hưu non, thì đây lại là vấn đề của xã hội. Và như vậy lại không đạt được mục tiêu quỹ bảo hiểm xã hội đủ chi trả lương cho những người nghỉ hưu.

TS Nguyễn Hữu Dũng

Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và phát triển hòa nhập