Đánh giá nội hàm chính quyền địa phương như Dự thảo là phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm cụ thể, cơ cấu tổ chức như thế nào vẫn chưa rõ.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Vì vậy, nên có thêm thiết chế vùng và thiết chế chính quyền đô thị, đồng thời, đề xuất thành lập Ủy ban Hành chính. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Tiến Học đề nghị, nên chuyển từ UBND sang Ủy ban Hành chính, đây là cơ quan quản lý hành chính địa phương, thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Đồng thời, trong Điều 116, mục 2 nên khẳng định: Ủy ban là cơ quan hành chính cấp địa phương. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phân định rõ chức năng, quyền hạn của từng cấp, tránh lạm quyền...
Đề nghị làm rõ vai trò và quyền hạn của HĐND, các ý kiến cho rằng, Dự thảo ghi HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước là không rõ. Bởi hiện nay, nếu thực hiện đầy đủ các chức năng thì HĐND chồng chéo với UBND, do đó mới chỉ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bà Nguyễn Thị Lan (đại diện HĐND quận Hà Đông) góp ý: Hiến pháp cũng nên quy định rõ những điều HĐND được kiến nghị với cơ quan Nhà nước ở địa phương theo thẩm quyền, không nên ghi kiến nghị chung chung. Về vấn đề này, đại diện huyện Mê Linh kiến nghị, nên nghiên cứu lại, bởi hiện tại, HĐND đang thiếu "cây gậy" cho hoạt động của mình, không có thực quyền. Nếu để HĐND đại diện cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thì phải sửa đổi Luật HĐND và quy định rõ trong Hiến pháp.
Đưa ra vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là chế độ làm việc của người đứng đầu chính quyền địa phương, các đại biểu cho rằng, việc Dự thảo Hiến pháp quy định Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm tập thể chứ không phải làm việc theo chế độ tập thể là chưa rõ. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất giữ nguyên trách nhiệm của Chủ tịch UBND như trong Hiến pháp năm 1992.Với quan điểm Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản, từ đó tiến hành xây dựng các đạo luật khác nên phải được hình thành trên cơ sở "dĩ bất biến, ứng vạn biến" các đại biểu đề nghị câu từ văn phong trong Dự thảo Hiến pháp nên ngắn gọn, dễ hiểu, rõ nghĩa, tường minh, mang tính hiến định.
Cùng ngày, T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đề nghị, Dự thảo Hiến pháp phải khẳng định rõ hơn vai trò của thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi thanh niên là một bộ phận quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Theo đó, thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc…
TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên kiến nghị: Cần bổ sung thêm nội dung, tuổi trẻ phải có trách nhiệm học tập rèn luyện để trở thành công dân tốt và nguồn nhân lực có chất lượng cao.Góp ý cho những chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thạc sĩ Trần Ngọc Định (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Khái niệm quyền con người cần được bổ sung theo hướng quy định: "Các quyền thiêng liêng và vốn có của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy phát huy các giá trị quyền con người của các cá nhân và cộng đồng trên lãnh thổ quốc gia".