70 năm giải phóng Thủ đô

Đề xuất tiếp tục giảm thuế 2% VAT: nên hay không?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chính phủ vừa có đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm, kéo dài 6 tháng so với quyết định chốt cuối năm ngoái của Quốc hội. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Ngân sách Nhà nước dự kiến giảm thu 24.000 tỷ đồng

Chính phủ cho biết, để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành năm 2023. Theo Chính phủ, cơ quan quản lý cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm nay.

Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%, gia hạn một số loại thuế, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm ngoái là cần thiết, để tiếp tục gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp.

Người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách giảm thuế VAT.
Người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách giảm thuế VAT.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Thời gian áp dụng từ 1/7 đến hết 31/12, kéo dài 6 tháng so với quyết định chốt cuối năm ngoái của Quốc hội.

Chính phủ đánh giá việc áp dụng giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi tháng).

Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, việc giảm thuế này khiến thu ngân sách hụt 23.488 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn thu giảm trong cả năm dự kiến 47.488 tỷ đồng.

Ở thời điểm bùng phát, chính sách giảm thuế này được đưa ra để kích cầu, hỗ trợ người dân, nhưng cũng khiến ngân sách bị giảm thu.

Trước đó, giai đoạn năm 2020-2023, các giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh lên tới 700.000 tỷ đồng. Từ đầu năm nay, con số thực hiện khoảng 68.000 tỷ đồng.

“Các giải pháp và chính sách tài chính tác động tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, Chính phủ cho biết, thêm rằng việc này giúp ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp mong mỏi

Thực tế, sau 3 lần áp dụng, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Trước đề xuất kéo thời thời gian giảm thuế VAT, TS Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, các chính sách gia hạn, giảm thuế đã ngấm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế. Cùng với đó, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chính sách thuế đi vào cuộc sống đã góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; trong đó người dân được hưởng lợi. Do đó, đề xuất của Chính phủ là niềm mong mỏi, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp bấy lâu nay.

“Thời điểm này, tình hình doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ, kéo dài các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách giảm thuế VAT”- TS Tô Hoài Nam kiến nghị.

Cùng chung quan điểm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh nhận định: “Đầu tư tư nhân còn rất khiêm tốn so với mọi năm, cho nên giảm thuế phí cần tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024. Nó như một giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực tư nhân trong nước hồi phục”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, trong lúc doanh nghiệp khó khăn nên cần giảm nhiều thuế hơn nữa là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, thực tế sau hàng loạt hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, sức khỏe doanh nghiệp đã phục hồi đáng kể. Do đó, việc kéo dài chính sách giảm thuế cần để đến thời điểm tháng 6 đánh giá lại tình hình doanh nghiệp. Khi đó mới nên quyết định giảm hay không giảm. Mặt khác, để quyết định giảm thuế, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng để bảo đảm vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng cũng phải cân đối ngân sách Nhà nước.