Và sau khi hoàn thành, tại thời điểm đó, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố đây là công trình khẳng định sức mạnh của nước Pháp. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống đường sắt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đến thời điểm này, trên thế giới vẫn phát triển đường bộ, song cũng dành một nguồn lực rất lớn cho việc phát triển đường sắt nhằm vận tải hành khách công cộng, cũng như vận tải liên vận giữa các nước. Tuy nhiên, từ sau khi Giải phóng miền Nam đến nay, hệ thống đường sắt vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức về đầu tư phát triển hạ tầng, khiến ngành đường sắt Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới.
Cũng theo ông Bình, so với các loại vận tải khác, đường sắt có những ưu điểm như: Vận chuyển được các hàng nặng trên tuyến đường xa; tốc độ nhanh, ổn định, mức độ an toàn và tiện nghi cao; ít bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, khí hậu; khả năng thông hành lớn, giá thành thấp, đặc biệt là trên các tuyến có cự ly dài… Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ và các đơn vị có liên quan đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm tải áp lực vận tải cho đường bộ, đưa giá cước vận tải về đúng với giá trị thực. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung đầu tư vào đường bộ mà bỏ qua các loại hình vận tải khác nói chung và đường sắt nói riêng thì đó sẽ là một thiếu sót lớn. Do đó, cần xem xét phân bổ nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng ở các loại hình vận tải khác, chứ không chỉ nên tập trung vào đường bộ như hiện nay.
Đề cập đến nguồn vốn triển khai dự án xây dựng đường tốc Bắc – Nam phía Đông, ông Bình cho rằng, so với đường bộ, việc đầu tư phát triển đường sắt sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không thể đưa ra lý do vì chưa có tiền nên chỉ đầu tư vào những dự án tốn ít tiền hơn trước, nếu chưa có tiền, chúng ta có thể đầu tư từng đoạn, không nhất thiết phải đầu tư ngay toàn tuyến. Bởi, nếu đường bộ càng phát triển mà đường thủy, đường sắt… vẫn lạc hậu thì mục tiêu chia lại thị phần vận tải mãi chỉ nằm trên giấy.