Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất xếp lương giáo viên bậc cao nhất: Khó nhiều bề

Thủy Trúc - Phương Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa đề nghị xếp bậc lương của ngành giáo dục cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính. Vậy nhưng khi ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chỉ 20%, sẽ là bài toán khó để trả lương giáo viên.

Tăng lương, tăng chất lượng giáo dục
Trong dự thảo lần 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ GD&ĐT xây dựng, Điều 81 về Tiền lương quy định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Dù mới là dự thảo, nhưng nhiều người trong ngành đã bày tỏ sự đồng tình trước đề xuất của Bộ GD&ĐT. Nhà giáo Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) chia sẻ: "Hiện nay, trừ giáo viên dạy Văn, Toán, Ngoại ngữ và một số thầy, cô dạy giỏi Lý, Hóa sống được bằng nghề, những giáo viên khác có mức sống rất thấp, phải đi làm thêm. Vì thế, khi lương tăng, giáo viên sẽ tập trung vào chuyên môn để nâng chất lượng giáo dục”.

Hướng dẫn học sinh học tiếng Anh tại trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh:  Thanh Hải

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng đồng tình: "Giáo viên phải sống được bằng lương mới toàn tâm toàn ý dạy học. Nhà giáo xứng đáng được hưởng bậc lương cao nhất". TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng bày tỏ: “Chúng tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT đề xuất tăng lương cho nhà giáo”. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nhà giáo, bởi khi cuộc sống được đảm bảo, giáo viên sẽ yên tâm công tác, có thời gian để sáng tạo, đổi mới, nâng chất lượng dạy học.

Những dấu hỏi

Chuyện tăng lương cho đội ngũ công nhân viên chức cả nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã được xới lên nhiều lần, nhưng vẫn là chuyện “lực bất tòng tâm”. Kinh phí Nhà nước không thể cáng đáng được với một “đội quân hùng hậu” đang hưởng lương từ ngân sách.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành là 1.672.506. Trong đó, có 154.000 cán bộ quản lý/1.246.188 nhà giáo, bình quân 1 cán bộ “quản lý” 8,1 giáo viên. Hiện ngành giáo dục đang chiếm 70% quỹ lương khối sự nghiệp; 52% biên chế sự nghiệp của cả nước. “Việc tăng lương chỉ có thể thực hiện được khi bộ máy của chúng ta tinh gọn và làm việc hiệu quả” - bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội Hà Nội khẳng định.

Vì vậy, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đề nghị “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy hiện nay của ngành giáo dục, từ Bộ GD&ĐT đến tất cả các đơn vị giáo dục trong cả nước. Đây cũng là yêu cầu được nêu rõ trong Nghị quyết 19 của T.Ư Đảng vừa ban hành: “Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý. Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao”.

Riêng với giả thiết tăng lương liệu có tăng chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, rất khó bởi chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Lương chỉ là một vấn đề để giáo viên tập trung cho giảng dạy. Bên cạnh đó còn cần môi trường làm việc và học tập; cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục. “Khi sĩ số học sinh 55 – 60 em/1 lớp khó có thể đảm bảo chất lượng cho dù tăng lương giáo viên đến bao nhiêu. Do đó, rất cần có những giải pháp khác thì chất lượng giáo dục mới có thể tăng thêm một bậc” – TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội bày tỏ.