Đến bây giờ, dư luận tự hỏi, nếu sa thải ông Miura thì HLV nào sẽ phù hợp với bóng đá Việt Nam? Ai sẽ đủ bản lĩnh để chinh phục hàng triệu cổ động viên vốn luôn tin rằng, mình có đủ khả năng cầm quân như một HLV chuyên nghiệp? Thật khó, bởi làm việc ở Việt Nam trong điều kiện như hiện tại thì có đến HLV Mourinho… cũng sẽ bị sa thải!
Ông Miura kém vì bị ghét?
Ngày hôm qua, trả lời một tờ báo, ông Đoàn Nguyên Đức - Phó Chủ tịch VFF đã phần nào cho dư luận hiểu vì sao mình muốn sa thải HLV Miura, vì không thể khiến Đội tuyển (ĐT) Việt Nam có được một chiến thắng tưng bừng trước đối thủ yếu hơn. Chẳng hiểu ông Đức lấy cơ sở nào để cho rằng Đài Loan (Trung Quốc) thuộc chiếu dưới so với ĐT Việt Nam, nhưng có một điều, nhà cầm quân người Nhật đã phạm phải một sai lầm cực lớn, đó là không đi theo cái đường ray mà người ta đã vạch sẵn. Đó là việc ông Miura đã xé bỏ kế hoạch lấy các cầu thủ HAGL làm nòng cốt trong xây dựng ĐT U23 và ĐTQG. Thay vào đó, ông trọng dụng các cầu thủ có thể hình, thể lực mà quên luôn những món bảo bối của bầu Đức. Đáng nói hơn, trong lần tập trung vừa qua, quân HAGL thậm chí còn sạch bóng ở ĐTQG.
HLV Miura có quyền lựa chọn về nhân sự. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc, ông phải đối diện với áp lực của những người mến mộ HAGL vốn chiếm một số lượng đông đảo. Tuy nhiên, có lẽ nhà cầm quân này cũng không thể lường được sự phản ứng từ ông Đức và những người ủng hộ ông bầu này lại lớn đến vậy. Không hề khách khí, cũng chẳng cần quan tâm việc bản thân đang ngồi ghế cao ở VFF, bầu Đức tuyên bố cần phải loại bỏ HLV Miura vì HLV này quá kém, không biết nhìn người. Ở đây, người ta không cần đánh giá ông Miura thông qua lăng kính chuyên môn; người ta cũng chẳng cần phải đặt câu hỏi, Công Phượng, Tuấn Anh đứng ở đâu so với Công Vinh, Văn Quyết, Mạc Hồng Quân, Đình Tùng?
Làm dâu trăm họ
Bóng đá Việt Nam đang hình thành một tư duy cảm tính. Dư luận không cần biết triết lý của nhà cầm quân đó như thế nào. Dư luận chỉ cần biết một điều, HLV trưởng phải gọi những ngôi sao phù hợp thị hiếu nhưng phải thành công. Với những tiêu chí ấy, dù ông Mourinho đến Việt Nam thì cũng khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Bởi, ông sẽ không có cơ hội chọn quân. Ông cũng chẳng được phép lựa chọn lối chơi. Và quan trọng hơn, người ta cũng chẳng cần quan tâm đến việc cần phải làm gì để đến đích cuối cùng của nền bóng đá.
Ai cũng biết, một trong những lý do VFF thuê HLV ngoại là để thoát ra khỏi lối hành xử cảm tính bấy lâu nay. Thế nhưng, trước những sức ép mà ông Miura đang gánh chịu, có cảm giác bóng đá Việt Nam bây giờ đang bị tác động bởi rất nhiều thế lực. Vị chiến tướng bỗng chốc trở thành dâu trăm họ, thậm chí là con rối để người ta giật dây. Và nếu không tuân thủ luật chơi vốn được hoạch định bởi những nhân vật có quyền lực, HLV sẽ đối diện với áp lực sa thải.
Người ta bảo, ông Miura không thể đưa bóng đá Việt Nam lên đến đỉnh cao. Phải thay ông này sớm nếu muốn cứu vãn cơ đồ. Nhưng người ta cũng chẳng thèm nhớ, trước khi ông Miura đến, nền bóng đá là một cơ đồ nát bét, hoảng loạn niềm tin. Nhưng rồi, chúng ta đã có những thành tích ban đầu và lỗi lầm lớn nhất của ông Miura là dám cả gan từ chối những ngôi sao trẻ đang được dư luận tung hô. Thay HLV Miura không khó. Nhưng, vấn đề là ai dám ngồi vào cái ghế nóng khi mà ở nền bóng đá đang tồn tại những quan điểm vị kỷ. Ai có thể đưa ĐTQG lên đỉnh cao khi mà bản thân họ không được tự quyết về chuyên môn và trao cơ hội để theo đuổi mục tiêu?
Kinhtedothi - Huấn luyện viên Miura. |