Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẹp vật liệu xây dựng chiếm vỉa hè: Khó hay làm ngơ?

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tụ điểm kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị thời gian gần đây đang tái diễn trên nhiều tuyến đường của Hà Nội.

Mặc dù chính quyền các địa phương khẳng định, vẫn thường xuyên ra quân xử lý các vi phạm trật tự đô thị. Thế nhưng, không hiểu tại sao, vì lý do gì đến nay các tụ điểm này vẫn ngang nhiên tồn tại?
Gạch, cát tràn vỉa hè, lòng đường
Đi qua các tuyến đường vành đai hay các đường mới mởi, không khó để bắt gặp các tụ điểm buôn bán, tập kết VLXD. Điển hình tại tuyến đường ven sông Sét (phường Giáp Bát), Định Công Thượng (phường Đại Kim), đường ven sông Lừ (phường Phương Mai), đường Bưởi (phường Cống Vị)... những đống gạch được xếp cao quá đầu người hay cát sỏi chiếm hết vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Không ai dám chắc những đống VLXD đó không gây nguy hiểm cho người đi đường. Mặt khác, những mặt hàng này đã gây mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng, là nguyên nhân góp phần không nhỏ gây ô nhiễm bụi tại Thủ đô.

Vật liệu xây dựng chiếm hết vỉa hè đường bên sông Sét thuộc phường Giáp Bát, Hoàng Mai. Ảnh: Vũ Lê

Không chỉ ở các đường vành đai, trên mặt vỉa hè tại nhiều tuyến phố trung tâm những đống cát, gạch bụi bẩn cũng ngang nhiên tồn tại. Không hề có biện pháp che chắn, trời nắng thì bụi, trời mưa thì nhớp nháp, ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Tại đường Đại Cồ Việt đoạn từ phố Lê Đại Hành đến phố Cao Đạt có tới gần 5 điểm kinh doanh VLXD đều để tràn cát ra vỉa hè. Ngõ 354 đường Lê Duẩn, đoạn sát đường tàu đã bị chiếm dụng làm bãi tập kết gạch, cát, sỏi gây trở ngại cho người tham gia giao thông. Một số điểm tập kết VLXD trên đường Phạm Văn Đồng, chủ cơ sở còn dùng máy bơm nước để rửa cát sỏi khiến cả đoạn đường bị nhớp nháp, mất vệ sinh.
Bác Phạm Thanh Bình sống tại phố Giáp Bát bức xúc nói: Cứ mỗi lần đi qua tuyến đường bờ sông Sét, tôi lại thấy ái ngại vì bụi từ những đống cát cuộn lên. Mặc dù tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền phường Giáp Bát giải tỏa hết những tụ điểm kinh doanh VLXD trái phép dọc tuyến đường này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đến nay vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Thiếu điểm tập kết
Khi được hỏi về việc xử lý những điểm vi phạm này, chính quyền các địa phương đều khẳng định thường xuyên ra quân xử lý đảm bảo trật tự lòng đường vỉa hè. Tuy nhiên, trên thực tế theo nhiều người dân, việc ra quân chỉ duy trì tại các tuyến phố trọng điểm, phố chính còn những tuyến đường vành đai, đường mới mở hay tại những khoảng đất trống của dự án thì dường như chính quyền đang làm ngơ.
Còn theo như lý giải của ông Nguyễn Tiến Lộc – Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng, sửa sang nhà ở của người dân rất lớn. Trong khi đó, tại các quận trung tâm vẫn chưa quy hoạch được địa điểm “chính thống” để tập hợp các hộ kinh doanh, cung cấp VLXD, nên gây khó cho việc xử lý những điểm kinh doanh VLXD trái phép. Ngoài ra, Phó Trưởng công an phường Giáp Bát Trần Văn Nam cho biết, phường đã nhắc nhở và phạt các cơ sở vi phạm nhưng với mức phạt 2,5 triệu đồng thì chỉ thời gian ngắn họ lại tái phạm.
Để lập lại trật tự trong quản lý đô thị, từng bước thực hiện các giải pháp giảm bụi, cải thiện môi trường, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Thiết nghĩ chính quyền cơ sở không thể ngụy biện đưa ra những lý do khó xử lý mà cần quyết liệt đối với các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, tập kết VLXD. Về lâu dài, các ngành chức năng cần nghiên cứu quy hoạch các điểm cung cấp VLXD hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân và cũng là để đảm bảo môi trường không bị ảnh hưởng bởi bụi bặm từ mặt hàng này gây ra.