Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may Việt Nam đang tụt hậu

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Để đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 đạt 28 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam phải giữ được tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Để đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 đạt 28 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam phải giữ được tốc độ tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh những thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Malaysia đang được hưởng nhiều lợi thế về đầu tư, chi phí sản xuất và ưu đãi thuế suất thì ngành dệt may Việt Nam rất khó để giữ được tốc độ tăng trưởng này.
Máy in vải tự động giúp tăng năng suất ngành dệt may
Mất lợi thế vì thuế suất 10% - 12%
Gia nhập thị trường dệt may chậm hơn Việt Nam nhưng Bangladesh, Campuchia, Malaysia, Indonesia đang dần tiệm cận và một số nước đã bứt phá qua Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Bangladesh đã cán mức 34 tỷ USD, vượt qua Việt Nam (22,8 tỷ USD). Campuchia, Indonesia, Malaysia cũng gần đạt mức trên dưới 15 tỷ USD và dự báo sẽ có những bước tăng đột phá trong năm 2017, 2018.
Phân tích về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam so với các nước trong khu vực trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang thua ngay từ điểm xuất phát. Đơn cử, tại thị trường truyền thống là Mỹ, chiếm khoảng 33% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta, hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế suất là 10% - 12%. Trong khi, hàng từ các nước Campuchia, Bangladesh và Malaysia xuất khẩu vào thị trường này lại được hưởng mức thuế suất 0%.
Không chỉ chịu áp lực giá thành do thuế suất, ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn, cho biết DN nội còn phải gánh chi phí nhân công cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực. Lo lắng hơn cả là dự kiến Bộ Tài chính sẽ tăng thuế môi trường thêm 8.000 đồng/lít xăng trong thời gian tới, giá xăng tăng sẽ kéo nhiều chi phí đầu vào khác tăng theo.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến, nhấn mạnh DN nội khó cạnh tranh lại DN các nước trong khu vực vì công nghệ sản xuất lạc hậu và thâm dụng lao động hơn.
Do đầu tư sau, công nghệ, trang thiết bị ngành dệt may các nước trong khu vực hiện đại hơn. Nhiều DN đã áp dụng tự động hóa tại nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất, như khâu cắt, khâu may. Số ít còn lại của sản phẩm có chi tiết khó, đòi hỏi tính kỹ thuật cao thì mới sử dụng nhân công lao động. Trong khi DN Việt vẫn chủ yếu lấy thâm dụng lao động thay máy móc, thì rõ ràng giá thành sản xuất sẽ khó cạnh tranh hơn.
Chuyển đổi để không tụt hậu
Trong bối cảnh đó, nhiều DN nội đều nhìn nhận rằng, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng giảm gia công,  chuyển sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và tiến tới là ODM (thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm) thì rất khó tồn tại, nhưng khả năng chuyển đổi rất khó. Một thời gian dài, DN nội chỉ tập trung vào gia công, thâm dụng lao động nên lợi nhuận thu được không cao.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam dù là đạt 22,8 tỷ USD vào năm 2016, nhưng có đến 70% doanh thu là của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, tổng thu thực tế mà DN nội đạt được (chủ yếu nhờ gia công) chỉ khoảng 30 triệu USD - rất thấp để có thể tái đầu tư công nghệ hiện đại.
Chi phí giá nhân công và sản xuất tăng cao, thuế đánh lên hàng Việt Nam xuất khẩu ở các nước còn quá cao, là những lý do làm ngành dệt may nội địa đã khó càng thêm khó! Tốc độ tăng trưởng toàn ngành liên tục giảm trong 4 năm qua. Cụ thể, năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành dệt may đạt 12% nhưng đến năm 2015 giảm còn 9% và năm 2016 giảm còn 5,6%. Với những tồn tại trên, năm 2017, ngành dệt may sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 10%.
Ông Nguyễn Hữu Lê Đức - Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, cho rằng để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, cần gấp rút đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tăng tự động hóa, giảm chi phí nhân công, đồng thời phân tích và nắm bắt thị hiếu khách hàng; thiết lập phân khúc thị trường để đầu tư phát triển sản phẩm.
Đây là lúc DN dệt may rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Trước mắt, chính quyền địa phương cần xóa bỏ thành kiến gây ô nhiễm môi trường với DN đầu tư ngành dệt, vì đây là mắt xích quan trọng trong việc hoàn thành chuỗi cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may.
Kế đến, tập trung hỗ trợ vốn cho những DN lớn có khả năng dẫn dắt thị trường để tạo cơ sở liên kết hình thành chuỗi sản xuất. Cuối cùng là phải đẩy nhanh tiến độ thành lập trung tâm thiết kế thời trang để DN chủ động hơn trong sản xuất, bắt kịp xu hướng thời trang của thị trường thế giới.