Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may Việt và TPP: Không phải toàn màu hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những ngành được cho là hưởng nhiều lợi thế nhất khi TPP được thông qua nhưng vẫn có không ít thách thức đang chờ đợi ngành dệt may.

Đầy cơ hội cho xuất khẩu

Sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, dệt may là một trong những lĩnh vực của Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi đây không chỉ là ngành công nghiệp chiếm trên 16% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 với trị giá 24,5 tỷ USD mà hầu hết các quốc gia trong TPP đều là đối tác xuất khẩu quen thuộc của Việt Nam (chiếm 65% trong tổng kim ngạch trong 3 tháng đầu năm 2015).

Trong nội dung của Hiệp định, dệt may được coi là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP, chính vì vậy đã có hẳn 1 chương riêng dành riêng cho ngành này. Ở đó chỉ rõ, hầu hết thuế quan sẽ đối với dệt may sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, còn với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn.
Đi cùng với cơ hội mà TPP mang lại, cũng có nhiều thách thức với dệt may Việt Nam
Đi cùng với cơ hội mà TPP mang lại, cũng có nhiều thách thức với dệt may Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại, dệt may xuất khẩu Việt Nam đang phải chịu khoảng 1.600 dòng thuế, chỉ tính riêng Mỹ đã chiếm tới 1.000 dòng thuế. Khi TPP chính thức có hiệu lực, sẽ có khoảng 1.000 dòng thuế trong số này được cắt giảm dần về 0%, thay vì 17 - 20% như hiện nay. Trước diễn biến đó, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên mức 15%/năm, gần gấp đôi so với mức 7 - 8%/năm hiện tại.

Về phía các chuyên gia kinh tế cũng khá lạc quan về triển vọng dành cho ngành này. Theo dự báo mới được Ngân hàng Thế Giới (World Bank) công bố, sau khi TPP đi vào thực tế, sản lượng xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể tăng tăng trưởng ở mức 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, TPP có tác động rất lớn đến ngành kinh tế Việt Nam nói chung và đặc biệt là ngành dệt may. Với đa số các dòng thuế quan được hạ xuống 0% là cơ hội không thể tốt hơn để xuất khẩu dệt may gia tăng, đặc biệt là vào những thị trường quan trọng như Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã sẵn sàng đổ vào Việt Nam để được hưởng những lợi ích này.

Đang thua ngay từ ... nguyên liệu

Tuy nhiên, theo ông Doanh, để tận hưởng được các lợi ích từ TPP, dệt may Việt Nam cũng đang phải đối đầu với một số thách thức lớn, trong đó đáng chú ý là quy tắc xuất xứ từ sợi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải quen dần với việc đầu tư nghiên cứu để tự sản xuất ra sản phẩm của mình thay vì phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là các thị trường không thuộc TPP.

Cụ thể, TPP quy định, nếu các sản phẩm dệt may của Việt Nam muốn được liệt vào dạng miễn thuế khi xuất khẩu thì cần phải sử dụng các nguyên liệu như sợi, bông, vải ... được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia TPP.  Đây là quy định gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi những nguồn nguyên liệu này đang được nhập khẩu chủ yếu từ các nước ngoài TPP như: Trung Quốc, Ấn Độ ... Trong khi đó nếu nhập từ các nước TPP thì chi phí sẽ rất cao, vượt mức cho phép của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), hiện dệt may Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 88% số nguyên liệu. Cụ thể trong năm 2014, mặc dù có mức xuất khẩu đạt tới 24,5 tỉ USD nhưng dệt may Việt Nam đã phải chi ra số tiền lên tới 15,5 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu.

Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may trong nước đa phần có quy mô nhỏ, chính vì vậy từ trước tới nay do yêu cầu vốn lớn nên việc đầu tư vào khâu nghiên cứu và sản xuất nguyên liệu chưa được chú trọng. Tính tới hiện tại, chỉ có một số ít doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn dệt may Việt Nam có kế hoạch đón đầu TPP với những dự án cung cấp nguyên liệu như sợi, dệt ...

Khác với doanh nghiệp trong nước, ngay từ những năm trở lại đây các doanh nghiệp FDI đã có nhiều bước chuẩn bị cho TPP. Điều này thể hiện rõ qua việc trong giai đoạn 2013 - 2014, FDI đổ vào dệt may đã chi khoảng 2 tỷ USD thì chỉ trong 8 tháng đầu năm 2015, con số này đã lên tới gần 3 tỷ USD. Dự kiến trong thời gian tới, nguồn FDI này sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Tuy nhiên theo giám đốc của một công ty dệt may trong nước, FDI liên tục tăng không mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp nội. Mặc dù các dự án FDI này tập trung cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu nhưng sản phẩm làm ra chỉ cung ứng cho chính doanh nghiệp đầu tư mà không bán ra cho các doanh nghiệp khác.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nước ngoài thông qua FDI sẽ được chứng nhận là hàng sản xuất tại Việt Nam và được hưởng đầy đủ các ưu đãi mà TPP mang lại. Trong khi đó các doanh nghiệp nội không những không được hưởng lợi thế thông qua việc giảm thuế mà còn phải cạnh tranh với thêm một nhóm đối thủ mới, nhóm FDI, vị giám đốc trên dự đoán.