Hướng đi thích hợp
Nghề dệt thảm xuất hiện ở xã Phụng Thượng đến nay đã được gần 30 năm. Nghề do vợ chồng ông Hoàng Quang Phòng, bà Trần Thị Lợi, thôn Đông đi “tầm sư học đạo” mang về làng với mong muốn tạo kế sinh nhai cho gia đình và xóm làng. So với nhiều làng nghề khác, nghề dệt thảm ở Phụng Thượng chưa có bề dày và cũng chưa được công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, nghề này lại có chỗ đứng nhất định trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Kể về những ngày đầu bén duyên với nghề, bà Lợi cho biết, gia đình phải nhập cây đay từ Hưng Yên về nhuộm, phơi khô làm nguyên liệu dệt thảm. Mãi sau này, nghề làm thảm mới thuận lợi hơn do chuyển sang dùng nguyên liệu từ vải vụn, mút, xốp…
Từ cơ sở đầu tiên, nghề dệt thảm nhanh chóng trở thành “cơn sốt” thu hút hàng trăm người đến học và làm thuê tại cơ sở Phòng Lợi. Sản phẩm thảm trải sàn, thảm chùi chân của cơ sở dệt thảm Phòng Lợi khi đó còn được xuất sang thị trường Nga với số lượng khá lớn. Sau này, khi việc xuất khẩu gặp khó khăn, các hộ dân chuyển sang phát triển thị trường nội địa. Cùng với dệt thủ công, những năm gần đây, máy dệt thảm cũng được người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng, cho hiệu suất lao động cao. Hiện tại, thảm chùi chân được bán với giá khoảng 10.000 – 12.000 đồng/chiếc, thảm trải sàn từ 30.000 – 50.000 đồng/m2 tùy chất liệu. Theo bà Lợi, mỗi năm trừ chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 70 – 100 triệu đồng từ nghề dệt thảm.
Vốn là địa bàn thuần nông nên từ khi "bén rễ" tại Phụng Thượng, nghề dệt thảm đã tạo thêm nhiều việc làm cho không ít lao động lúc nông nhàn, nhất là chị em phụ nữ. Chị Cấn Thị Hồng, cụm dân cư số 7, thôn Đông cho biết, bình quân mỗi ngày làm được 15 chiếc, thu lãi 80.000 – 90.000 đồng/ngày. “Ngoài 5 sào ruộng thì thu nhập từ dệt thảm góp phần đáng kể cho chi tiêu cuộc sống gia đình 4 nhân khẩu” – chị chia sẻ.
Ngóng khu sản xuất tập trung
Trước đây, thôn Đông, xã Phụng Thượng là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường do nghề giặt nylon, vỏ bao dứa. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP Hà Nội và huyện Phúc Thọ, đến nay, trên địa bàn thôn cơ bản không còn nghề này mà chuyển sang các nghề như dệt thảm, may mặc, sản xuất đồ gỗ… Theo thống kê, xã Phụng Thượng hiện có khoảng 20 hộ làm nghề dệt thảm, chưa kể một số gia đình làm dịch vụ thu gom, xuất bán thảm. Nghề dệt thảm góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận dân cư địa phương. Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn xã Phụng Thượng đạt 28 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo nhiều hộ sản xuất, việc mở rộng nghề gặp nhiều khó khăn do thiếu mặt bằng sản xuất.
Bí thư Chi bộ Cụm dân cư số 7, xã Phụng Thượng Dương Tiến Lộc cho biết, đa số các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, tận dụng diện tích có sẵn của gia đình. Có hộ phải nhờ mặt bằng của hàng xóm để làm kho chứa hàng. Trong khi đó, các tuyến đường giao thông trong thôn nhỏ hẹp nên ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào gặp nhiều khó khăn. Các hộ sản xuất cũng nhiều lần kiến nghị địa phương quy hoạch, xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề, tạo mặt bằng cho phát triển nghề dệt thảm cũng như các nghề khác. Nhưng việc này đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ông Khuất Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng khẳng định, phát triển ngành nghề nói chung, nghề dệt thảm nói riêng là một trong những định hướng quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, xã đã quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề ở thôn Đông. Tuy nhiên, việc hoàn thiện cần có thời gian và thực hiện từng bước.
Sản xuất thảm chùi chân tại cơ sở Phòng Lợi. Ảnh: Quang Thiện
|