Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến thi đánh giá tư duy vào tháng 5,6,7/2023

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi Đánh giá tư duy vào tháng 5, 6, 7/2023. Nội dung và thời lượng các bài thi cũng sẽ có thay đổi.

Như vậy, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng 2 đợt so với các năm trước.

Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: FBNT)
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: FBNT)

Năm 2022, kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức ngày 15/7- sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng 1 tuần. Kỳ thi này thu hút hơn 7.100 thí sinh tham dự tại 5 cụm thi: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng), ĐH Tân Trào (Tuyên Quang), ĐH Vinh (Nghệ An và ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng (Đà Nẵng). Có hơn 20 trường đã sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

Theo kế hoạch, năm 2023, trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hiện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn chưa công bố chỉ tiêu và các điều kiện xét tuyển cụ thể cho từng phương thức.

Năm 2022, trường dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bài thi tổ hợp Kỳ thi đánh giá tư duy diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai.

Các tổ hợp xét tuyển của bài thi tư duy gồm: K00: Toán, Đọc hiểu, KHTN, tiếng Anh (quy về thang điểm 30); K01: Toán, Đọc hiểu, KHTN; K02: Toán, Đọc hiểu, tiếng Anh.

Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế sau: IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP, TOEIC 4 kỹ năng (hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) có mức điểm quy đổi tương đương IELTS 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi sang điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp có nội dung tiếng Anh (thông qua hệ thống quy đổi của nhà trường).

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm khoảng 20-30% chỉ tiêu trong các năm tới. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tại các vùng, miền, đặc biệt những em không thể tiếp cận, di chuyển tới địa điểm tổ chức thi tư duy. Tuy nhiên, với một số ngành cạnh tranh cao như Tự động hóa, Công nghệ thông tin, khả năng cao, trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi đánh giá tư duy.