Đến dự có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.
Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, trong năm học 2010 - 2011, ĐHQG Hà Nội đã phát huy tốt lợi thế của đại học đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Chính phủ, tiếp tục đổi mới về quản trị đại học dựa vào cách tiếp cận theo sản phầm đầu ra và liên thông liên kết. Lần đầu tiên, 4 lĩnh vực của ĐHQG Hà Nội lọt vào nhóm 200 các trường ĐH châu Á bao gồm: Khoa học tự nhiên - Natural Sciences (xếp thứ 146), Kỹ thuật và Công nghệ - Engineering & Technology (xếp thứ 147), Khoa học xã hội và quản lý - Social Sciences & Management (xếp thứ 157), Khoa học sự sống và Y sinh - Life Sciences & Medicine (xếp thứ 173).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Nghị chúc mừng những kết quả mà ĐHQG Hà Nội đạt được trong năm học qua và sau 18 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời cho rằng, việc thành lập và phát triển ĐHQG Hà Nội thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực đạt chất lượng cao, có sứ mệnh đi tiên phong và làm nòng cốt cho sự nghiệp đổi mới giáo dục… là một quyết định mang tầm chiến lược. Đây cũng là sự trao gửi niềm tin và trách nhiệm hết sức to lớn và nặng nề đối với ĐHQG Hà Nội của Đảng và Chính phủ.
Để đáp lại sự tin tưởng đó, đồng chí cho rằng, ĐHQG Hà Nội phải làm việc nhiều hơn nữa, thực sự là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước; có trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề mang tầm vóc quốc gia và thời đại như vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, an sinh xã hội và vấn đề phát triển bền vững trên phạm vi cả nước và ở một số vùng đặc thù như Tây Bắc, Nam Bộ, Tây Nguyên, các vùng đô thị trọng điểm, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước tin tưởng, ủng hộ và luôn dành cho ĐHQG Hà Nội những ưu tiên về cơ chế và đầu tư các nguồn lực, nhưng cũng đòi hỏi ĐHQG Hà Nội phải vươn lên xứng đáng hơn nữa với vị thế và sứ mệnh của mình, đó là, trở thành trường đại học tiêu biểu cho nền giáo dục đại học của đất nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn ĐHQG Hà Nội tiếp tục chủ động tham gia một cách sâu rộng và giữ vai trò đầu mối cho sự hợp tác và phối hợp giữa Hà Nội với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo ở Hà Nội. Đặc biệt, tập trung vào hai lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác, sử dụng tối ưu các lợi thế, cũng như giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển của Thủ đô. Thành phố sẵn sàng lắng nghe, luôn luôn phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học nói chung và ĐHQG Hà Nội nói riêng tiếp tục phát triển mọi mặt, tham gia đóng góp chuyển giao tri thức, công nghệ cho Thủ đô, cho đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô trong tình hình mới.