KTĐT - 1.334 hộ dân của hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) sẽ được di dời ra khỏi vùng lõi của rừng Vĩnh Cửu để tránh sự xung đột với đàn voi rừng ở đây.
Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, huyện đang triển khai thực hiện kế hoạch di dời 1.334 hộ dân với khoảng 6.262 nhân khẩu thuộc hai xã Mã Đà và Hiếu Liêm ra khỏi vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu nhằm vừa đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là tránh được sự xung đột giữa đàn voi rừng và người như trong thời gian qua.
Theo kế hoạch được triển khai, các hộ dân sống trong vùng lõi của khu bảo tồn sẽ được di dời và bố trí tái định cư ở một địa điểm khác. Kinh phí cho việc di dời, bố trí tái định cư và ổn định cuộc sống cho người dân khoảng 900 tỷ đồng. Lộ trình di dời số hộ dân trên ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2020.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu cho biết, ngoài việc di dời dân ra khỏi vùng lõi, hiện Khu bảo tồn đang đề xuất phương án thiết lập hàng rào điện để ngăn thú hoang, ngăn chặn sự xung đột giữa voi và người.
Tổng chiều dài của hàng rào điện tử khoảng 40km cho một số khu vực dân cư thuộc các xã Mã Đà, Phú Lý, Thanh Sơn, Tà Lài, trong đó có 30km xây dựng cố định và 10km xây dựng di động.
Hiện nay tình trạng xung đột giữa voi và người xảy ra ngày càng gay gắt. Theo kết quả khảo sát của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, hiện vùng hoạt động của voi ở khoảng 33.600ha thuộc khu vực rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Khu bảo tồn thiên nhiên, di tích Vĩnh Cửu và Vườn quốc gia Cát Tiên.
Tại khu vực rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú hiện có nhiều cụm dân cư tập trung và nhỏ lẻ sống tại phân trường 1, 2, 3, 4 và 6 có khoảng 925 hộ dân với 2.723 nhân khẩu sống bằng nghề nông nên ruộng rẫy thường gần rừng và có ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của voi.
Khu vực còn lại, có bốn xã với hơn 43.500 nhân khẩu cũng chủ yếu sống bằng nghề nông, gần rừng có ảnh hưởng hoạt động của voi, dễ dẫn tới xung đột voi và người gồm xã Mã Đà, Phú Lý thuộc huyện Vĩnh Cửu; xã Tà Lài thuộc huyện Tân Phú và xã Thanh Sơn thuộc huyện Định Quán.
Theo kết quả khảo sát, tại xã Phú Lý, năm 2007, voi bắt đầu phá nông sản, nhưng mức độ xung đột vẫn mức trung bình. Năm 2008, xung đột đã tăng cao khi voi phá hoạt mùa gây thiệt hại kinh tế cho người dân gần 400 triệu đồng. Đến năm 2009, voi làm thiệt hại cho dân trên 476 triệu đồng.
Tại xã Mã Đà, nếu như năm 2008 chỉ xảy ra 14 vụ thì sang năm 2009, số vụ voi vào tấn công tăng gần gấp ba lần là 44 vụ.
Trong năm 2010 và 2011, voi vẫn thường xuyên kéo vào phá phách khu vực dân cư sinh sống làm thiệt hại lớn diện tích vườn tược, hoa màu của người dân./.