Để thực hiện mục tiêu, Hà Nội đang rất cần một cơ chế đặc thù để phá “tảng băng” trì trệ trong công tác di dời các các trụ sở bộ, ngành, trường đại học ra khỏi nội đô.
Chậm do chưa rõ cơ chếTheo rà soát của Sở QH - KT Hà Nội, có 28 cơ quan bộ, ngành T.Ư nằm tại khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình). Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các Bộ: Xây dựng, KH&ĐT, TT&TT, Tư pháp, GTVT, Y tế, LĐTB&XH, GD&ĐT, VHTT&DL, NN&PTNT, Tổng cục Thống kê.
Trụ sở Bộ KH&ĐT trên đường Hoàng Diệu (ảnh trái) và Trụ sở Bộ NN&PTNT trên phố Ngọc Hà. Ảnh: Phạm Hùng |
Thế nhưng, chủ trương này vẫn trì trệ suốt nhiều năm qua bởi nhiều cơ quan lấy lý do là chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ, cơ quan sở hữu trước đó có quyền bán đi để lấy quỹ xây dựng trụ sở mới hay không nên đã xảy ra tình trạng chậm bàn giao. Mặc dù đến nay đã có 9 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới song chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan T.Ư quản lý xong đến nay địa điểm này cũng đã chuyển cho Bộ LĐTB&XH sử dụng. Còn lại các cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng.Đối với các trường đại học, cao đẳng, hiện 4 quận lõi trung tâm có 26 trường. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều nhất với 10 trường đại học và học viện, mỗi trường trung bình có 10.000 sinh viên. Con số này đang gây áp lực lớn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dụng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống trường đại học, cao đẳng khu vực nội đô khống chế số lượng khoảng 30.000 sinh viên.
Bên cạnh đó, chủ trương xây mới các khu, cụm đại học ở các huyện như Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên với diện tích từ 3.500 - 4.500ha, quy mô khoảng 50.000 sinh viên. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, đến nay mới chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng tại quận Ba Đình thực hiện di dời.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Bên cạnh đó, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội thành. Sự phối hợp giữa các tỉnh, TP với các bộ, ngành có liên quan chưa chủ động.Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho hay, một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong các bản quy hoạch phân khu nội đô là di dời các trụ sở bộ, ngành, trường học. Khi đó sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang rất thiếu, đồng thời kéo theo khoảng 100.000 người di chuyển ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đơn giản bởi những lý do đã được chỉ ra. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao thì kế hoạch di dời trụ sở bộ, ngành, trường đại học trong nội đô mới sớm đạt được kết quả.Cần cơ chế đặc thùVào cuối tháng 2/2021 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 205/QĐ-BXD về việc “Nhiệm vụ thiết kế thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các bộ, ngành T.Ư tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội”. Theo quyết định trên, khu đất xây dựng có diện tích khoảng 35ha thuộc các lô đất có ký hiệu D2, D3 và E trong Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây. Khu đất là nơi đặt trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp, Kinh tế ngành, Khoa giáo - Văn xã, Nội chính và một số cơ quan T.Ư khác với đầy đủ cơ cấu tổ chức, bộ phận chức năng.
Dự kiến có 12 đơn vị bộ, ngành được bố trí tại đây. Như vậy, sẽ có một cuộc "đại di cư" của các bộ, ngành ra khỏi các quận lõi nội đô trong thời gian tới, cùng với đó là đưa một lượng lớn dân số cơ học di chuyển theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả cần sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ.
Bởi thực tế, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg, về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội nhưng đến nay tiến độ vẫn đang rất chậm.Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc các bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai. Vì theo luật này quy định trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác.
Vì vậy, nhiều đơn vị mặc dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sỡ cũ vì còn thời hạn giao đất, đây là vấn đề khó khăn. Do đó, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù để có thể sớm thu hồi đất sau khi các đơn vị di dời để thực hiện theo đúng chủ trương của Thủ tướng là xây dựng các không gian xanh và công trình công cộng.
“Nếu cơ chế đặc thù trên được Thủ tướng phê duyệt thì việc phân khu đô thị nội đô theo quy hoạch mới có thêm những yếu tố thuận lợi để giải quyết những vấn đề quy hoạch phức tạp hiện nay như giãn dân, bổ sung đất cho phát triển hạ tầng" – TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
"Việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… là vấn đề bức thiết đặt ra từ lâu. Thậm chí, Thủ tướng từng nhiều lần có văn bản chỉ đạo nhưng vẫn chưa thực hiện tốt. Đến nay, đã có một số cơ quan bộ, ngành, các ủy ban đã di dời trụ sở ra khỏi nội đô, có thể coi đây là bước đi đầu tiên. Thế nhưng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là di dời trụ sở các bộ, ngành để có quỹ đất xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang thiếu thốn ở trong nội đô lại chưa thực hiện được." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm |