Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội đô: Triển khai càng sớm càng tốt

Bài, ảnh: Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại khu dân cư trong nội thành, nội thị của Hà Nội không còn nhiều.

Tuy nhiên, theo thói quen hoặc khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp, thậm chí do thiếu sự giám sát của đơn vị chức năng nên nhiều hộ gia đình vẫn bám trụ với công việc thuần nông ngay giữa lòng đô thị.
Cần sớm di dời
Tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Đây là quyết sách được nhiều người dân ủng hộ bởi để TP xây dựng đô thị văn minh, bảo đảm môi trường sống thì những chuồng trại chăn nuôi không thể nằm giữa khu dân cư.
Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) đã lên phường từ năm 2004 nhưng do trước đó, người dân chủ yếu làm nghề nông nên một số hộ vẫn giữ thói quen chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Tỳ – Tổ trưởng dân phố 17, phường Lĩnh Nam cho biết, hiện trong khu dân cư vẫn còn 1 hộ chăn nuôi gà và một hộ nuôi đàn lợn 5 - 6 con.
Khu vực chăn nuôi đàn lợn của một hộ gia đình tổ dân phố 17, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.
Mặc dù chính quyền phường, tổ dân phố nhiều lần vận động, thậm chí chủ hộ đã ký cam kết không chăn nuôi nhưng do hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao không tìm được nghề khác phù hợp nên chủ hộ vẫn tái đàn.
“Việc chăn nuôi giữa khu dân cư đông đúc không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường sống của những hộ xung quanh. Được biết, mới đây TP thông qua quy định không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các quận nội thành, chúng tôi mong muốn quy định sớm triển khai trong thực tế” - bà Nguyễn Thị Tỳ bày tỏ.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn phân tích, trên địa bàn các quận, đa số hộ chăn nuôi đều thuộc diện nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Sản phẩm sẽ không bao giờ tiêu thụ được vào hệ thống siêu thị vì không bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong khi đó lại gây ô nhiễm môi trường, khả năng lây lan dịch bệnh rất cao, nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vì vậy, việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư là cần thiết và triển khai càng sớm càng tốt.
Hỗ trợ toàn diện
Khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm, mới được HĐND TP quy định gồm: Các phường của các quận; 4 phường của thị xã Sơn Tây; 6 thị trấn của các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì; các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nguyên Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, từ năm 1998 khi phát triển đô thị trong các bản quy hoạch không bố trí khu vực chăn nuôi ở khu vực nội đô. Để xảy ra tình trạng hộ gia đình chăn nuôi trong các khu vực đô thị là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành chưa giám sát chặt chẽ.
Để có tầm nhìn dài hạn trong việc dừng hoạt động hoặc di dời các cơ sở ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần bám sát Luật Chăn nuôi, phải xác định khu vực không được chăn nuôi rộng hơn. Đó là khu vực nội thành, nội thị và tất cả thị trấn chứ không chỉ là thị trấn của 5 huyện sắp lên quận.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, lượng người tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội đô, nội thị còn đến 2.606 lao động. Do đó, để người dân sớm di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi rất cần chính sách hỗ trợ toàn diện.
Bên cạnh việc hỗ trợ bằng kinh phí đạo tạo, chuyển đồi nghề nhằm bảo đảm an sinh, TP cần chủ động tạo ra các khu vực chuyên cho chăn nuôi thực hiện theo quy hoạch. Có như vậy, mới bảo đảm được ngành chăn nuôi phát triển ổn định và phục vụ xây dựng đô thị an toàn, văn minh.

"Hà Nội cũng cần quan tâm đến việc hướng dẫn, quản lý các khu vực chăn nuôi, chăm sóc thú cưng, sinh vật cảnh, vì hiện nay loại hình chăn nuôi này khá phổ biến, nhất là TP đã từng phải chống chọi với dịch bệnh lây lan từ chim cảnh." - Nguyên Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần