Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đi học phải an toàn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến giữa tuần qua, phương án cho học sinh trở lại trường vẫn còn là vấn đề để ngỏ của Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 25/10, cả nước có 23 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đến trường học trực tiếp. Cụ thể, đã có 23 tỉnh, thành cho phép 100% học sinh các cấp đến trường, 15 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, 25 tỉnh, thành cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Tinh thần chung là căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Về việc tổ chức dạy học cho học sinh trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", UBND TP Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT chủ trì cùng các cơ quan liên quan và các địa phương tham khảo ý kiến của đại diện ban phụ huynh học sinh để khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động giáo dục tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn.
Trong khi đó, dù chưa có thông báo chính thức của Sở GD&ĐT về thời gian học sinh trở lại trường, ngay từ đầu tháng 10, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, y tế, sẵn sàng đón học sinh trở lại lớp học. Đa số các trường đều khẳng định, trường học đã sẵn sàng, chỉ chờ lệnh mở cửa.
Về phía các phụ huynh học sinh, việc cho con trở lại trường là mong muốn của mọi gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm, mặc dù thời gian qua khó khăn khi con em ở nhà học trực tuyến không chừa một gia đình nào.
Thực tế trên cho thấy, việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là một nhu cầu và mong muốn của cả cộng đồng khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Vấn đề là ở chỗ tính an toàn của quyết định cho trẻ đi học. Điều đó cũng cho thấy không có gì là khó hiểu khi Hà Nội và một số địa phương khác cân nhắc rất kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định về vấn đề này. Và đó là sự thận trọng cần thiết.
Về vấn đề này, hiện có hai luồng ý kiến.
Một là gắn việc cho học sinh đi học trở lại với việc tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, trước mắt là ưu tiên các em từ 16 -18, cơ thể đã phát triển tương đối ổn định, cũng là lứa học sinh cần đến trường học trực tiếp để chuẩn bị các kỳ thi quan trọng, và có ý thức thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh.
Hai là xu hướng cho rằng không cần thiết phải đợi đến khi hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ học sinh, mà cần quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng dịch, bảo đảm trẻ không lây nhiễm khi đến trường.
Dù theo xu hướng nào, cũng đều hướng tới mục tiêu học sinh đi học trở lại phải an toàn. Điều này rõ ràng là vô cùng quan trọng khi ta thấy chỉ trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, không ít địa phương đã phải cho học sinh ngừng học trực tiếp, quay lại phương thức học trực tuyến vì phát hiện những ca dương tính trong trường học. Thật rất khó khăn cho trẻ khi liên tục chuyển đổi các hình thức học như vậy.
Có thể thấy, thực tế trên không cho phép lơ là các biện pháp an toàn, phòng chống dịch bệnh khi cho học sinh trở lại trường, nhất là với lứa tuổi học sinh tiểu học. Và như vậy, có lẽ tốt nhất là không nên áp dụng đại trà, ngay cả với một tỉnh, thành phố. Tùy từng địa phương, với từng đối tượng học sinh, dù không phải 100%, chỉ trở lại trường học trực tiếp khi đã bảo đảm khả năng an toàn ở mức cao nhất.