Di sản văn hóa tinh thần và người dân

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân hướng đến Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp tới, tôi xin bày tỏ ý kiến về việc di sản chứa đựng một cách tập trung các giá trị nhân văn, các bản sắc văn hóa cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào sự đa dạng văn hóa thế giới như là một tất yếu của tồn tại xã hội.

Chúng tôi hiểu di sản văn hóa theo nghĩa rộng của nó. Có những di sản đã được UNESCO và quốc gia ghi nhận nhưng rất nhiều di sản vẫn tồn tại trong cuộc sống Nhân dân khắp mọi nơi ở 54 tộc người ở Việt Nam. Chủ nhân của di sản văn hóa chính là những người đã sáng tạo và thực hành di sản đó trong trường kỳ lịch sử thuộc các cộng đồng khác nhau, trong đó có cộng đồng quốc gia - dân tộc. Bất cứ di sản có giá trị nào cũng cần được thấu hiểu và thẩm định giá trị, được bảo tồn, được phát huy phát triển và được quảng bá trên toàn thế giới. Đó là trách nhiệm của từng công dân và cũng là trách nhiệm của thiết chế chính trị quốc gia.
Cũng cần nói rằng, từ giữa thế kỷ XX, với Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 do lãnh tụ cách mạng Trường Chinh soạn thảo và trình bày, sự nghiệp văn hóa Việt Nam đã vận động song hành với các mục tiêu cách mạng và đạt được nhiều kết quả mà không phải bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng tương sánh.
Trong quá trình đó, dù ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta đi vào hai cuộc chiến tranh ác liệt để giành độc lập thì việc phát huy di sản văn hóa dân tộc truyền thống luôn luôn được tiến hành và từng bước đạt được nhiều giá trị. Tất cả các loại hình nghệ thuật, từ ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã chuyển hướng, mang phong cách, âm hưởng truyền thống và dân gian các vùng miền, các tộc người một cách rõ rệt. Những phương thức sinh hoạt văn hóa tập thể mới hình thành, những hình thức trình diễn công cộng mới được tổ chức, những tác phẩm phong cách dân gian được sáng tạo. Tất cả hướng tới con người bình dị, con người công dân mới đang đi vào cuộc kháng chiến. Khi việc nghiên cứu và việc bảo tồn gặp hoàn cảnh khó khăn thì việc ứng dụng thực tiễn lại đã đi trước một bước và đạt nhiều giá trị cao đẹp. Âm nhạc, văn chương, sân khấu, hội họa, vũ đạo, điêu khắc... đều thấm đẫm một tinh thần "dân tộc hóa, đại chúng hóa và hiện đại hóa".
Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, đối diện với thời hậu chiến khổ cực 20 năm ròng rã, nhưng tinh thần và đường lối văn hóa vẫn được tiếp tục xu hướng vận động của văn hóa cách mạng, tiến lên xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các thiết chế văn hóa từ nghiên cứu, đào tạo, quản lý, sáng tạo phát triển rộng khắp từ T.Ư đến địa phương. Chúng ta có một thiết chế vận hành văn hóa rộng rãi trong toàn bộ xã hội.
Sau sự vận động đổi mới từ 1986 và đặc biệt là sự phát triển của kinh tế thị trường, của truyền thông mạng internet, không những các bản sắc văn hóa truyền thống bị phai mờ mà nó càng có cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Cuộc sống thời bình và sự phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy di sản văn hóa truyền thống bảo lưu và phát triển mạnh mẽ. Công trình kiến trúc tín ngưỡng, lễ hội, trình diễn dân gian được phục hồi khắp mọi miền đất nước. Nhà nước và Nhân dân đã đồng tâm trong cuộc bảo lưu và phát triển các truyền thống tinh thần quý báu đó.
Sự đánh mất bản sắc văn hóa, sự "xô dạt văn hóa" là vấn đề toàn nhân loại, không chỉ ở các nước kinh tế thấp mà ngay cả các nước phát triển hàng đầu thế giới. Đặt trong tổng thể đó, chúng ta thấy được thành tựu của Việt Nam, ở cấp độ một quốc gia là thật sự đáng ghi nhận. Với những di sản văn hóa tinh thần đậm chất dân gian đã được ghi nhận, chủ yếu đó là những di sản mang tính chất diễn xướng tổng hợp. Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, quảng bá nó là công việc cấp thiết và luôn luôn gặp những thử thách cần phải vượt qua.
Trong quá trình điền dã thực địa, chúng tôi thấy các thiết chế chính trị xã hội có một vai trò quyết định trong đối với việc giữ gìn, bảo lưu các di sản. Từ việc nhỏ như tổ chức sinh hoạt các hình thức câu lạc bộ, các cuộc thi trình diễn thường niên, các hội diễn, các lễ hội truyền thống, việc xây dựng các không gian sinh hoạt cho di sản... đều có sự trực tiếp tham gia của thiết chế văn hóa chính thống. Đặc biệt là địa bàn cấp huyện với phòng Văn hóa và Trung tâm văn hóa Thể thao huyện. Một lực lượng được đào tạo chuyên sâu về văn hóa nghệ thuật ở trình độ cao đẳng, đại học trở lên đã rải đều trên khắp địa bàn cấp huyện trong cả nước mà một trong những trọng tâm hoạt động của họ là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.
Khi tìm hiểu sinh hoạt cụ thể của từng câu lạc bộ văn hóa truyền thống, chúng tôi thấy ba nhu cầu cấp bách thường trực đó là: Nhu cầu về kinh phí hoạt động, nhu cầu về sáng tạo bài bản và nhu câu giao lưu quảng bá di sản. Đáp ứng nhu cầu kinh phí, đa số là dựa trên sự tài trợ của các nhà hảo tâm nhưng không vững bền. Nhà nước thường ủng hộ bằng vật chất như nhạc cụ, trang âm và một ít kinh phí khi có cuộc thi hoặc hội diễn. Trong truyền thống ngày xưa, các hoạt động, ngoài tiền thưởng khi trình diễn, thường người ta dùng ruộng để cấp tài sản cho các giáo phường. Đó là một kinh nghiệm khôn ngoan đã được thử thách vì tính hiệu quả lâu bền của nó. Bây giờ không có ruộng nhưng ắt sẽ có những hình thức khác có hiệu quả hơn.
Đáp ứng nhu cầu giao lưu quảng bá, ngoài việc các câu lạc bộ tự giao lưu với nhau thì rất cần những sáng tạo của thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho việc giao lưu có kế hoạch và thiết thực hơn, thực hành nghĩa vụ quảng bá mà UNESCO đã quy định. Những kế hoạch này, Nhân dân rất mong đợi nhưng các thiết chế văn hóa ít tính đến.