Kinhtedothi - “Xây dựng Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội là giải pháp khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh” -Trưởng phòng Chính sách Người có công, Sở LĐTB&XH Hà Nội Trần Thanh Bình khẳng định như vậy khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị nhân Kỷ niệm 55 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam.
Thưa ông, Hà Nội vừa thành lập Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động của Trung tâm sau gần một tháng thực hiện nhiệm vụ? - Ngay trong ngày ra mắt (20/7), trung tâm đã tiếp nhận 53 con của các cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ai cũng thấy các đối tượng bị ảnh hưởng của chất độc hóa học có hoàn cảnh hết sức thương tâm. TP Hà Nội xây dựng Trung tâm là đáp ứng được nguyện vọng của gia đình bớt đi phần nào khó khăn, tập trung phát triển kinh tế. Và các cháu có điều kiện được nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị, chỉnh hình cũng như có nhu cầu học chữ, học nghề. Theo Đề án hoạt động, trung tâm thường xuyên chăm sóc nuôi dưỡng 150 đối tượng, nhưng hiện nay mới chỉ có 53 cháu? - Theo thông tin của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Hà Nội, toàn TP có khoảng 50.000 nạn nhân. Hiện, ngành LĐTB&XH đang quản lý và trợ cấp cho gần 18.000 đối tượng, trong đó gần 12.000 đối tượng trực tiếp và gần 6.000 người là con của họ. Từ năm 2013, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã ban hành kế hoạch điều tra tại 30 quận, huyện, thị xã. Kết quả 153 con của người hoạt động kháng chiến có nhu cầu nuôi dưỡng ở trung tâm và 213 người muốn học nghề. Đến năm 2015, trước khi thành lập Trung tâm, Sở LĐTBXH đã khảo sát lần 2 thì có 60 cháu muốn được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị. Hiện nay, gia đình 7 cháu còn lại xin lui lại một thời gian rồi mới vào trung tâm. Nhưng bất cứ lúc nào gia đình các cháu có nguyện vọng, Trung tâm sẽ đưa xe về tận địa phương để đón. Sở đang yêu cầu các phòng LĐTB&XH tiếp tục rà soát con của các đối tượng phục vụ kháng chiến đang hưởng trợ cấp hóa học hàng tháng có nhu cầu vào trung tâm sẽ tiếp tục tiếp nhận. Mức đóng phí khi vào điều trị ở đây như thế nào, thưa ông? - Đến nay, các đối tượng hưởng 2 mức trợ cấp là gần 800.000 đồng/tháng và trên 1 triệu đồng/tháng. Hàng tháng họ chỉ trích một phần tiền trợ cấp đóng cho trung tâm, còn lại quần áo, thuốc men, luyện tập, chi phí khác sẽ được ngân sách TP cấp bù. Còn công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị cho các cháu? - Trước khi chuyển đổi công năng từ trung tâm phòng chống tệ nạn xã hội sang chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học, Sở đã chỉ đạo Trung tâm quán triệt tư tưởng anh em có thái độ phục vụ tận tâm đối với người có công. Song song với đó, Trung tâm lần lượt cử cán bộ đi học và thực tập hàng tuần ở những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương tự về cách chăm sóc, nuôi dưỡng người có công. Điều này cũng thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Nhân dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng. Tẩy độc cũng là một nhiệm vụ chính của Trung tâm. Khi nào hoạt động này được thực hiện? - Hiện nay, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã cùng Sở Y tế, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP đi học tập kinh nghiệm ở một số nơi về tẩy độc. Quy trình tẩy độc cho 1 người là 21 ngày gồm những hoạt động về vận động, uống thuốc, xông hơi, massage. Sẽ còn nhiều bước phải làm, nhưng Trung tâm sẽ cố gắng đến năm 2017 thực hiện đối với tất cả các đối tượng đang hưởng chế độ đối với người nhiễm chất độc hóa học được miễn phí 100%. Dự kiến, bước đầu mỗi năm sẽ tẩy độc cho khoảng 500 người, lâu dài sẽ nâng lên 1.000 - 1.500 người/năm. Xin cảm ơn ông!