Lo ngại bệnh viêm não, sởi gia tăng
Về tình hình dịch bệnh viêm não Nhật Bản, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đến thời điểm này tại BV đã ghi nhận 7 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B, từ đầu năm đến nay có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác… Đáng chú ý, 100% số ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não. Cũng theo ông Điển, mùa viêm não ở miền Bắc được xác định là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Về tình trạng bệnh, hầu hết bệnh nhân viêm não vào điều trị là những ca bệnh nặng, đã có co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác, dù các bác sỹ rất cố gắng nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao. Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20 - 25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2 - 3%...
Không chỉ lo lắng với viêm não Nhật Bản, TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông rất ngạc nhiên với diễn biến bất thường của dịch sởi năm nay, bởi dù đã vào giữa hè mà số ca mắc vẫn lên tới hàng trăm ca/tháng…"Tuy số mắc sởi năm nay chưa phải cao đột biến như vụ dịch sởi năm 2014 nhưng diễn biến của dịch thì có thể nói là rất bất thường" - ông Cường nói. Cụ thể, trong tháng 5/2019, tại BV Bạch Mai tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi, và thời điểm này số ca mắc cũng vẫn cao, chưa có xu hướng giảm. Điểm bất thường nữa là số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25 - 35 tuổi. Qua khai thác tiền sử, hầu hết người bệnh cho biết chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm mũi 1, chưa tiêm nhắc lại mũi 2 vaccine phòng sởi.Ngoài sởi, tại Bệnh viện Bạch Mai thời điểm này cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, quai bị. Đây cũng có thể coi là bất thường vì thủy đậu, quai bị được coi là các bệnh mùa Đông Xuân. Cùng đó, số trẻ mắc bệnh cúm nhập viện cũng rất nhiều, trong tháng 5/2019 ghi nhận hàng trăm ca bệnh…Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, để phòng một số dịch bệnh nguy hiểm các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.Không để nhiễm chéo trong bệnh việnPhát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại Mỹ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi. Đối với sốt xuất huyết, thời điểm này thời tiết nóng bất thường, mưa nhiều khiến cho bệnh có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó là các bệnh tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản B... đều là mối lo của ngành y tế. Chính vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở y tế cần phải truyền thông chủ động phòng chống dịch, phòng bệnh trước rồi mới đến chữa bệnh. “Về điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc phân loại bệnh tránh chẩn đoán nhầm lẫn hoặc bỏ sót ca bệnh nặng. Đồng thời sàng lọc phân loại, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị... để giảm quá tải và lây nhiễm chéo cho người bệnh, không để quá tải gây hoang mang dư luận" - bà Tiến nói.Theo Bộ trưởng Tiến, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng có ý thức phòng bệnh cho gia đình mình và cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện bệnh sởi, sốt xuất huyết vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng với điều kiện thời tiết nắng nóng kèm mưa nhiều cùng sự gia tăng hoạt động đi lại, du lịch trong mùa Hè này, những dịch bệnh này có thể tiếp tục gia tăng. Sở Y tế khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. |