Cố vấn khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance và Giám đốc Ủy ban y tế quốc gia Chris Whitty được cho thuộc nhóm SAGE - hiện đã được xóa bỏ mọi thông tin về thành viên trên trang web chính phủ. |
Theo trang web chính thức của Chính phủ Anh, nhóm SAGE chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu khoa học - kỹ thuật và tư vấn để hỗ trợ các lãnh đạo đưa ra quyết sách trong các cuộc khủng hoảng.
Do đó, SAGE đóng vai trò tư vấn cho nước Anh về các bước cần thực hiện để chống lại đại dịch Covid-19 ngay từ ban đầu, hiện cũng đóng vai trò thiết yếu trong quyết định tháo dỡ lệnh phong tỏa quốc gia của Chính phủ.
Sau hơn 1 tháng bị khóa chặt, Vương quốc Anh hôm thứ 7 trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới báo cáo 20.000 trường hợp tử vong vì virus corona. Các nhà khoa học cho biết, nước này dù đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm. Chính phủ của ông Johnson bị chỉ trích vì đã để hệ thống y tế quốc gia “vỡ trận”.
Sau thông tin của The Guardian về việc cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Johnson, ông Dominic Cummings - không phải là nhà khoa học và nổi tiếng là một chính trị gia bảo thủ - đã tham dự các cuộc thảo luận nội bộ của nhóm SAGE, các phản ứng với đại dịch Covid-19 của Anh bị nghi ngờ thiếu tin cậy về mặt khoa học.
London hôm 25/4 khẳng định về sự độc lập của các nhà khoa học tư vấn về Covid-19 cho Chính phủ, phủ nhận việc cố vấn Cummings là thành viên của SAGE, trong khi kiên quyết không công bố thông tin các thành viên nhóm cố vấn bí ẩn này với lý do bảo vệ các nhà khoa học khỏi các áp lực.
Việc cố vấn chính trị có nên tham dự các cuộc họp của SAGE hay không vẫn còn là quan điểm gây tranh cãi tại Anh. Tuy nhiên, giới khoa học hàng đầu nước này hầu hết nghi ngờ tuyên bố “theo khoa học” của Chính phủ, khi đề cập đến việc đã bỏ qua các khuyến cáo của chuyên gia y tế cộng đồng trong thời điểm dịch bắt đầu bùng phát ở Anh, gây nên sự chậm trễ.
Theo đó, khi số vụ việc đang có xu hướng tăng nhanh tại Anh vào tháng 3, London đã chọn không cấm các cuộc tụ họp đông người hay đưa ra lệnh giãn cách xã hội, bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chuyên gia y tế nước này.
Chỉ đến khi diễn biến thực tế rơi vào báo động, đặc biệt là sau một tính toán của ĐH Hoàng gia London, cho thấy khả năng nửa triệu người tại Anh có thể chết vì dịch Covid-19 nếu không thực hiện bất cứ hoạt động kiểm soát nào, giới chức Anh mới rục rịch thay đổi.
Giáo sư Devi Sridhar - Giám đốc y tế công đồng toàn cầu tại ĐH Edinburgh nhận định, Chính phủ Anh đã tốn thời gian để lưỡng lự giữa 2 kịch bản, hoặc là quyết liệt tiêu diệt virus, hoặc để cho căn bệnh trở thành đặc hữu.
“Lời khuyên của WHO và những gì chúng tôi đã học được từ rất nhiều vụ dịch trước đó là càng phản ứng nhanh chóng ngay từ ban đầu thì tình hình sẽ càng tốt, bởi đó là sự gia tăng (các trường hợp nhiễm bệnh) theo cấp số nhân”, GS Sridhar giải thích, “vì sức khỏe cộng đồng, một chiến dịch thử nghiệm, theo dõi và cô lập luôn là điều phải làm trước tiên”.