Số lượng lợn bị nhiễm dịch quá nhiều đã khiến các địa phương trên địa bàn Hà Nội gặp khó trong công tác tiêu hủy.
Loay hoay tìm điểm tiêu hủy
Sau hơn 3 tháng xuất hiện, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã khiến 10.852 hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội nhiễm dịch (chiếm 13,46% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi), làm mắc bệnh và tiêu hủy 171.799 con lợn (chiếm 9,18% tổng đàn). Hiện, DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương có số lượng lợn tiêu hủy hàng nghìn con như Sóc Sơn, Thạch Thất, Đông Anh…
|
Hố tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu phi được bố trí ngay trong trang trại chăn nuôi tại Long Biên. Ảnh: Phương Nga |
Ngoài việc đối phó với DTLCP, hiện nay nhiều địa phương đang gặp khó trong việc tìm điểm tiêu hủy lợn chết. Bởi với số lượng lợn chết lớn như hiện nay đồng nghĩa với việc cần phải có một quỹ đất đủ lớn để tiêu hủy. Tại huyện Quốc Oai, DTLCP đã khiến hơn 4.000 con lợn nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy trên tổng đàn xấp xỉ 60.000 con.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, các xã trên địa bàn phải sử dụng nghĩa trang Nhân dân làm nơi tiêu hủy lợn. Tuy nhiên, do diện tích nghĩa trang tại các xã có hạn, nếu dịch tiếp tục lây lan nhanh, việc tìm điểm tiêu hủy lợn là một bài toán khó đối với địa phương.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của liên Sở Tài chính - NN&PTNT về mức hỗ trợ đối với lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi. Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt, hỗ trợ bằng 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch bệnh; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ bằng 1,8 lần mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại tại thời điểm có dịch bệnh. Về giá thị trường làm căn cứ xác định mức hỗ trợ: Trước ngày 2/4 là 37.400 đồng/kg; từ ngày 2 - 4/4 là 37.800 đồng/kg; từ ngày 5/4 - 1/5 là 39.200 đồng/kg; từ ngày 2 - 9/5 là 35.000 đồng/kg. Từ ngày 10/5 đến nay, thực hiện theo thông báo giá thị trường lợn hơi hàng ngày của Sở Tài chính. (Tùng Nguyễn) |
Tính đến nay, trong tổng đàn lợn hơn 100.700 con, huyện Mỹ Đức đã phải tiêu hủy gần 3.000 lợn mắc DTLCP. Huyện đã có các phương án như: Chôn lấp ở đất quỹ 2, nghĩa trang Nhân dân, địa điểm cạnh bãi rác. Tuy nhiên, việc chôn lấp lợn nhiễm dịch ở nghĩa trang Nhân dân không nhận được sự đồng tình của người dân. Một mặt về tâm linh, một mặt là do diện tích nghĩa trang chật chội, thường xuyên có người ra vào.
Chôn lấp đúng phương pháp
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, việc tiêu hủy lợn mắc DTLCP rất quan trọng. Bởi virus tả lợn châu Phi có khả năng lây lan nhanh và thời gian tồn tại trong môi trường lâu. Nếu không làm tốt quy trình tiêu hủy sẽ là nguyên nhân gây lây lan bùng phát dịch ra diện rộng.
Theo ông Sơn, trước tình hình dịch DTLCP diễn biến phức tạp như hiện nay, các địa phương nên ưu tiên phương án “4 tại chỗ” (bao gồm: Chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ). Theo đó, đối với những trang trại chăn nuôi có diện tích đất lớn thì nên ưu tiên ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa, khiến virus phát tán ra ngoài môi trường.
Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, lợn chết phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích. Đặc biệt, hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.
UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND cấp xã.
"Trước sự bùng phát và lây lan mạnh của DTLCP, Bộ NN&PTNT đã tính đến 2 biện pháp tiêu hủy chính là chôn và đốt. Tuy nhiên, việc đốt vừa không có lò chuyên dụng lại tốn kém tiền bạc nên phương án tiêu hủy bằng chôn lấp vẫn là giải pháp tối ưu. Do đó, các địa phương cần chủ động quỹ đất cho việc tiêu hủy lợn dịch, tránh tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường." - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |