Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch tả lợn châu Phi đang áp sát, TP Hồ Chí Minh cấp tập đối phó

Tiểu Thúy - Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh đánh giá khả năng xảy ra dịch ở TP là rất cao, cần phải gấp rút triển khai tình huống chống dịch.

2 "thủ phủ" chăn nuôi phát hiện dịch
Đồng Nalà địa phương đầu tiên ở khu vực Nam Bộ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, ngày 6/5, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) bất ngờ công bố phát hiện ổ nhiễm dịch tả châu Phi tại xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom).
 Nguyên nhân khiến lợn của hộ nuôi ở Đồng Nai nhiễm dịch tả là do nằm cạnh cơ sở giết lợn trái phép và ăn thức ăn thừa không qua nấu chín.
Sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn này. Đồng thời, dùng thuốc để tiêu độc, khử trùng tại khu trại chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh và phun thuốc khử trùng trong phạm vi 3km quanh ổ dịch. 3 lò giết mổ trên địa bàn huyện Trảng Bom được yêu cầu ngừng hoạt động phục vụ cho công tác kiểm tra, từ đó ngăn chặn tình trạng giết mổ trái phép.
Ngoài ra, UBND huyện Trảng Bom cũng lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát, ngăn chặn việc đưa lợn từ khu vực gần ổ dịch ra ngoài và ngược lại, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Naiđến ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú (Bình Phước) Nguyễn Văn Tặng cho biết, cơ quan chức năng huyện vừa tiến hành tiêu hủy một đàn lợn trên địa bàn huyện do phát hiện dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo thông tin ban đầu, ổ dịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước là của một hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú). Ông Trần Đức Nhân, chủ của đàn lợn có thói quen gom thức ăn dư thừa từ các quán ăn trong vùng làm thực phẩm cho lợn, sau đó ông phát hiện đàn lợn bị bệnh từ ngày 6/5 và sau đó ngày 8/5, đã có 4/7 con lợn lăn ra chết.
Ông Nhân lập tức báo cho cơ quan chức năng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước) đã xuống lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Cũng trong ngày 9/5, 3 con lợn còn lại trong chuồng của hộ ông Nhân đã được tiêu hủy.
 Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước tiêu độc khử trùng ngăn chặn dịch bệnh tại hộ ông Nguyễn Đức Nhân ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú 
Được biết, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước là 2 "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước. Nếu như toàn tỉnh Bình Phước hiện có 739.043 con lợn, thì Đồng Nai đang là tỉnh có đàn lợn lớn nhất nước với tổng đàn lên đến 2,4 triệu con.
TP Hồ Chí Minh cấp tập đối phó
Theo thông tin từ Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, hiện nay TP có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn gần 280.000 con. Trong đó, có 247 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát, vào chiều 9/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn với các sở ngành để triển khai các biện pháp đối phó với dịch tả lợn châu Phi, trong bối cảnh Đồng Nai và Bình Phước vừa phát hiện dịch bệnh này.
Cùng với đó, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để triển khai thêm các biện pháp đối phó với dịch tả lợn châu Phi khi phát hiện ổ dịch tại Đồng Nai.

Theo quy định, trong vòng 30 ngày, nguồn lợn tại các địa phương có dịch sẽ không được nhập về TP, các điểm giết mổ cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian có dịch. Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thiết lập thêm các chốt chặn mới hoạt động 24/24 để kiểm tra vận chuyển lợn từ các tỉnh bên ngoài vào TP.

Sau khi có thông tin Đồng Nai, Bình Phước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, sáng 10/5, báo cáo tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Hổ cho biết, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, TP đã chuẩn bị 3 kịch bản gồm dịch xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc, dịch xuất hiện tại các tỉnh sát TP và dịch xảy ra ngay tại TP.

Một siêu thị tại TP Hồ Chí Minh dán thông báo thịt lợn đã được kiểm dịch. 
Theo đó, TP đang phải ứng phó với trường hợp thứ 2 khi dịch đã xảy ra tại Đồng Nai và nhận định khả năng dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến TP là rất lớn khi 45 - 50% lượng lợn giết mổ tại TP hiện có nguồn gốc từ Đồng Nai.
Ông Hổ chia sẻ những biện pháp quan trọng đang thực hiện bao gồm tăng cường kiểm soát các cửa ngõ vận chuyển vào TP; kiểm soát về giết mổ, không để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép; tăng cường thông tin truyền thông.
Theo Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn lợn. Nhưng lợn bệnh vào TP sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả nghìn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội...
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cũng cho biết Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp thịt lợn, chuẩn bị nguồn hàng nhằm bình ổn thị trường, thịt lợn tại TP phải truy xuất rõ nguồn gốc.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, TP sẽ tăng cường truyền thông để Nhân dân yên tâm; kiểm tra nguồn lợn vận chuyển vào TP cũng như kiểm tra tại chỗ; với đàn lợn, TP phải lấy mẫu thường xuyên.
Về tình trạng giết mổ lậu, ông Lê Thanh Liêm khẳng định, quận, huyện nào để xảy ra việc giết, mổ lợn lậu thì Chủ tịch UBND địa bàn đó sẽ bị phê bình.
Kết luận vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các cơ quan quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch, trước tình hình dịch đã xuất hiện tại các địa bàn giáp ranh TP Hồ Chí Minh.

4 tháng đầu năm, hơn 20 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trên 85.000 con lợn bị tiêu hủy. Việc dịch diễn biến phức tạp khiến giá lợn biến động liên tục thời gian qua. Hiện một số tỉnh phía Bắc đã công bố hết dịch.

Theo Tổ chức Thú y thế giới, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017, dịch bệnh đã xảy ra ở 20 quốc gia, hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.