Đại diện các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, TP có khoảng 10 triệu dân sinh sống, học tập, làm việc với nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc gia cầm khoảng 320.000 tấn/năm (tương đương gần 900 tấn/ngày). Tuy nhiên, sản xuất chăn nuôi của TP mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Đối với thịt lợn, nhu cầu tiêu thụ của TP trung bình 650 - 700 tấn thịt/ngày, do bệnh DTLCP xảy ra nên sản lượng thịt lợn năm 2019 ước tính đạt 200.000 - 220.000 tấn/năm, đáp ứng 60 - 65% nhu cầu tiêu thụ. Như vậy, TP đang thiếu hụt 90.000 - 100.000 tấn thịt lợn cho người tiêu dùng. Riêng đối với sản phẩm thịt bò, sản lượng xuất ra của TP khoảng 10.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thịt bò. Ước tính, nhu cầu thịt bò còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình DTLCP trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 12/6, DTLCP đã làm mắc và tiêu hủy 350.000 con, chiếm 22,5% tổng đàn tại 19.200 hộ chăn nuôi, chiếm 26% tổng hộ chăn nuôi lợn. TP đang tập trung chỉ đạo các giải pháp ứng phó với dịch bệnh hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại. Đồng thời, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi, có kế hoạch phát triển mạnh chăn nuôi bò, gia cầm và thủy sản để thay thế thịt lợn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật cho người tiêu dùng Thủ đô.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi Việt Nam chưa bao giờ gặp khó khăn do DTLCP bùng phát mạnh mẽ như hiện nay. Trong khi đó, chăn nuôi lợn lại đang chiếm tỉ trọng quá lớn so với chăn nuôi các vật nuôi khác. Đáng lo ngại, chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Bộ dự đoán, bệnh DTLCP sẽ lan ra khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước và diễn biến ngày càng phức tạp. Minh chứng là, nếu như thời điểm mới bùng phát, không có các trại lớn bị dịch thì đến thời điểm này đã xuất hiện ổ dịch.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển chăn nuôi bền vững, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Chung sống với dịch bệnh là điều bắt buộc, lẽ tất nhiên. Do đó, các giải pháp ứng phó phải được thực hiện sớm, khẩn trương, đồng bộ hơn để để đẩy giá lợn lên. Như vậy mới tiêu thụ được lợn, giảm thiệt hại cho nông dân và giảm chi phí của Nhà nước trong hỗ trợ tiêu hủy đàn lợn bệnh”.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, trong bối cảnh hiện tại, các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác kiểm dịch khâu chôn lấp, tiêu hủy lợn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tiêu thụ thịt lợn. Bởi, chưa bao giờ thịt lợn có giá rẻ và được kiểm soát dịch bệnh tốt như bây giờ. Mặt khác, người tiêu dùng cần tăng trữ lượng thịt lợn cấp đông thịt nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung và “sốt”giá thịt lợn vào những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh đàn bò, đàn gia cầm để thay thế tạm thời thịt lợn. Khi có chỉ đạo tái đàn, chăn nuôi lợn phải đáp ứng các điều kiện về quy mô, an toàn dịch bệnh, xóa bỏ nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu chăn nuôi dân cư. Xây dựng các vùng hạn chế nuôi, vùng ổn định nuôi và vùng khuyến khích nuôi để giảm tải cho các khu vực chăn nuôi lợn tập trung như hiện nay.
“Do nguy cơ tái xuất hiện ổ dịch cao nên không cho phép tái đàn đối với những hộ đã từng có đàn lợn bị nhiễm bệnh. Đối với những trang trại, cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phép, khuyến khích mở rộng, tăng quy mô đàn” - ông Dương nói.
Đối với Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đang chiếm 10% tổng nhu cầu của cả nước. Do phải nhập một lượng lợn thịt từ các tỉnh và các nước nên TP cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch. Ngoài ra, Hà Nội nên ưu tiên đầu tư cho giết mổ có kiểm soát dịch bệnh an toàn và hỗ trợ mạnh cho phát triển chăn nuôi theo chuỗi.
Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản phối hợp giữa các đơn vị, gồm: Các DN, hợp tác xã, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội về đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thịt an toàn chăn nuôi theo chuỗi; cung ứng sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh ATTP tại các chợ đầu mối; cung ứng nguồn giống bò Wagyu…