Ngày 11/9, thông tin UBND huyện Tương Dương cho biết, hiện địa phương đang chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khống chế dịch tụ huyết trùng trên địa bàn 4 bản gồm: Đình Tài, Chà Hìa, bản Chon và bản Phẩy (xã Xiêng My, huyện Tương Dương). Tại đây đã ghi nhận có 43 con trâu bò chết do dịch tụ huyết trùng. Đến ngày 8/9 lượng trâu bò chết đã dừng lại.
“Hiện chúng tôi đang tập cho tập trung khống chế và triển khai vận động bà con đưa trâu bò về để tiêm phòng, điều trị... Chúng tôi đang vận động bà con tiếp tục đưa trâu bò thả rông từ rừng về để tiêm dự phòng. Tại địa bàn xã Xiêng My cũng nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn” ông Kha Văn Ót – PCT UBND huyện Tương Dương cho biết.
|
Dịch tụ huyết trùng khiến 43 con trâu bò tại xã Xiêng My bị chết.(Ảnh Q.T). |
Ngay khi phát hiện gia súc bị chết, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo Trạm thú y huyện đã báo cáo tình hình, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ Chi cục thú y tỉnh để được hỗ trợ khẩn cấp. Theo đó, Chi cục thú y tỉnh, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo phối hợp công tác điều trị bệnh và dập dịch.
Trong khi đó, tại huyện Con Cuông, Nghệ An cũng phát hiện một điểm dịch tụ huyết trùng tại bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông. Điểm dịch này đã khiến 62 con trâu bò bị chết. Trước đó từ ngày 4/9, một hộ dân trong bản phát hiện trâu của gia đình chết trên rừng. Từ thời điểm này nhiều trâu bò trong bản bắt đầu mắc bệnh rồi chết hàng loạt khiến nhiều người lo lắng. Thậm chí có những hộ gia đình có đến 5 con trâu chết do tụ huyết trùng.
Ngay sau khi nhận được thông tin chính quyền địa phương đã triển khai các phương án phòng, chữa. Tuy nhiên do tập quán thả rông trâu, bò ở vùng cao khiến công tác dập dịch hết sức khó khăn. UBND huyện Con Cuông đã lên phương án để xử lý dịch bệnh, ngăn bệnh lây lan rộng. Việc buôn bán, vận chuyển gia súc gia cầm vào ra địa bàn đã bị cấm. Đồng thời tổ chức tiêm phòng dịch cho đàn gia súc và khuyến cáo bà con tuân thủ các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.