Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ cho vay ký quỹ - con dao hai lưỡi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn thu của các công ty chứng khoán (CTCK) đồng thời là đòn bẩy thu hút nhà đầu tư (NĐT) gắn bó với mình, dịch vụ cho vay ký quỹ (margin) cũng sôi động hơn khi TTCK đã có khoảng thời gian dao động quanh mức 600 điểm và dần trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Công cụ cạnh tranh chủ lực

Hiện lãi suất margin ở các CTCK phổ biến trong khoảng 12 - 16%/năm, chẳng hạn như Chứng khoán Bảo Việt, SHS áp dụng mức 12 - 12,5%, CTCK VCBS và FPTS là 14%/năm… Ở các CTCK lớn như HSC, phần lớn nguồn vốn cho vay margin đều từ vốn tự có của Công ty, có thời điểm lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Ở một số CTCK khác như SHS lại hợp tác với Ngân hàng SHB để cung cấp đòn bẩy tài chính cho NĐT.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến của thị trường.  	Ảnh:  Phạm Tuyên
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến của thị trường. Ảnh: Phạm Tuyên
 
Tỷ lệ cho vay hiện được mỗi CTCK áp dụng khác nhau nhưng phổ biến ở mức 4:6 hoặc 5:5, tức là nếu giá trị tài khoản của NĐT vào ngày thực hiện dịch vụ ký quỹ đạt 1 tỷ đồng thì NĐT được vay thêm 1 tỷ đồng. Chính vì đòn bẩy lớn như vậy nên trên sàn, NĐT thường nói đã đầu tư chuyên nghiệp phải sử dụng margin. Trong vòng 2 tháng qua, thị trường trong xu thế tăng điểm, dịch vụ margin tại các CTCK rất phát triển. Một NĐT cá nhân tại sàn IRS cho hay, sử dụng margin cho những CP có hệ số beta cao rất phổ biến. Khi thị trường tăng điểm, lãi suất không phải là vấn đề NĐT quan tâm bởi chỉ cần 1 phiên tăng trần là đủ trả lãi. Đồng thời, nếu là khách hàng VIP, CTCK thường không tính lãi trong thời gian T+4, vì vậy càng nhiều người ham sử dụng margin.

Margin hiện được coi là công cụ cạnh tranh chủ lực của nhiều CTCK, bởi vậy nếu trên thị trường, CTCK này công bố giảm lãi suất margin, ngay lập tức vài ngày sau CTCK khác cũng giảm lãi suất theo. Nếu không thể chạy đua bằng lãi suất, các CTCK sẽ đưa ra các giải pháp cạnh tranh khác, chẳng hạn: Giảm phí giao dịch, tặng các gói thông tin nóng…

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Margin một mặt giúp NĐT gia tăng lợi nhuận đáng kể, song mặt trái của nó cũng là "hố chôn tiền" với những NĐT ham hố. Sử dụng margin vào thời điểm thị trường đi xuống, nếu NĐT không tỉnh táo, việc "cháy" tài khoản là thường, ngay cả những người đầy kinh nghiệm, gắn bó với TTCK nhiều năm. Việc lạm dụng công cụ margin còn khiến thị trường rơi vào tình trạng tăng quá nóng hoặc giảm quá đà. Hiện, các CTCK đều sử dụng các phần mềm giao dịch tự động, theo đó, khi giá trị chứng khoán trong tài khoản NĐT giảm đến mức nào đó, nếu NĐT không nộp thêm tiền vào tài khoản, CTCK sẽ tự động giải chấp cổ phiếu. Chính vì lẽ này, nhiều mã chứng khoán bị bán ra mạnh trong trường hợp nhiều NĐT sử dụng margin để mua CP đó.

Ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc môi giới, CTCK MHB cho rằng, lượng tiền vào TTCK thời gian qua tăng nhờ nguồn không nhỏ từ vốn vay, gồm cả việc các CTCK gia tăng cho vay margin. Ngoài ra, việc CTCK hợp tác với các tổ chức khác để tăng đòn bẩy cho khách hàng đang rất phổ biến. Cụ thể, một số tổ chức và cá nhân có tiền nhưng thay vì gửi ngân hàng, họ cho CTCK vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng, nhưng cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm. Sau đó, CTCK cho khách hàng vay lại. Ngoài ra, những tổ chức hoặc cá nhân chủ động phối hợp với CTCK lập hợp đồng cho vay 3 bên với khách hàng. Rõ ràng là, thời gian qua, TTCK tăng mạnh nhờ rất lớn từ tiền vay. VN-Index đã có thời điểm vượt 600 điểm. Tuy nhiên, nếu quá sa đà mà không có hàng rào phòng chống rủi ro, cả CTCK và NĐT sẽ gặp nhiều nguy cơ khi TTCK đảo chiều và tuột dốc mạnh.