Tại Đại hội cổ đông ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) diễn ra mới đây, HĐQT của ngân hàng đã xác định 2015 là năm “Chuẩn hóa đội ngũ - Nâng tầm dịch vụ”, hướng tới phát triển bền vững, an toàn, tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Theo đó, NCB sẽ tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ theo chiều sâu, cung cấp sản phẩm linh hoạt, phù hợp cho các cá nhân, hộ gia đình, tiểu thương.
Được biết, năm 2014 tổng huy động và dư nợ cho vay của NCB tăng lần lượt 29,89% và 35,74% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu giảm hơn 58% còn 2,52%, lợi nhuận đạt 59 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Năm 2015 NCB đặt chỉ tiêu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 236 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 45.052 tỷ đồng, tổng huy động đạt 41.165 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 24.089 tỷ đồng, nợ xấu kiềm chế ở mức dưới 3%.
Chia sẻ với báo giới về mục tiêu phát triển, bà Bà Trần Hải Anh - Tổng Giám đốc NCB cho biết:“Đang trong quá trình tái cấu trúc nên trong khi các ngân hàng khác đi, chúng tôi phải chạy. Trong hơn hai năm vừa qua, NCB đã triển khai đồng bộ hàng loạt dự án: Đổi tên gọi và áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới; Xây dựng hệ thống sản phẩm chiến lược; Nâng cấp hệ thống mạng lưới, mở rộng hoạt động bán lẻ, đổi mới phong cách và chất lượng dịch vụ; Đầu tư nền tảng công nghệ hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử; Tăng cường xử lý nợ xấu, hoàn hiện hệ thống quản trị phù hợp thông lệ quốc tế; Tập trung công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp”.
Nếu như NCB với chiến lược hướng đến các cá nhân, hộ gia đình, tiểu thương khi tham gia vào thị trường bán lẻ NHTM CP KienLongBank lại đặt ra chiến lược tập trung tiềm lực sở trường tại thị trường bán lẻ khu vực nông thôn. Tiền thân là Ngân hàng TMCP nông thôn, đến nay KienLongBank đã hoạt động tròn 20 năm. Phát huy thế mạnh của mình về am hiểu thị trường bán lẻ tại khu vực nông thôn, năm 2015, KienLongBank tiếp tục đầu tư vào thị trường này. Có thể nói, ngân hàng này đang sở hữu một nguồn nhân lực dồi dào với gần 3.500 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên lành nghề trong lĩnh vực ngân hàng, am hiểu khách hàng và đã thực sự thành công trong lĩnh vực khai thác cho vay lĩnh vực sản xuất – kinh doanh - dịch vụ của tiểu thương nhỏ lẻ, nông dân. Cùng với lợi thế là ngân hàng đi lên từ thị trường nông nghiệp, nông thôn, KienLongBank hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng, xây dựng nhiều sản phẩm tiện ích, lãi suất hợp lý, cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng.
Theo báo cáo tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây, năm 2014, các chỉ tiêu kinh doanh của KienLongBank đều tăng trưởng ổn định: Tổng tài sản tăng 8,10%, đạt 23.104 tỷ đồng; Huy động vốn từ tổ chức kinh tế dân cư tăng 24,56% đạt 16.571 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng tăng 11,52%, đạt 13.526 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế giảm 40,59%, đạt 233,71 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,95%/tổng dư nợ; Mức chia cổ tức năm 2014 là 5% bằng tiền mặt.Ngân hàng này cũng đặt kế hoạch 2015 với tổng tài sản dự kiến 26.170 tỷ đồng, tăng 13,27%; Tổng huy động vốn dự kiến 22.180 tỷ đồng tăng 14,61%; Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến 16.200 tỷ đồng, tăng 19,77%; Lợi nhuận trước thuế dự kiến 388 tỷ đồng, tăng 66,02%; Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%; Cổ tức dự kiến là 8% và tăng thêm ít nhất 7 Chi nhánh, PGD mới trên toàn quốc, nâng tổng số điểm giao dịch lên 103 điểm.
NCB và KienLongBank chỉ là 2 ví dụ điển hình trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ của các ngân hàng nhỏ theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Điều dễ nhận thấy là các ngân hàng này đã định hình rõ phân khúc và “đánh” đúng phân khúc sở trường của mình.
Thị phần sẽ vào tay ai?
Lý giải việc đổ xô đi bán lẻ của các ngân hàng lớn, nhỏ tại Việt Nam hiện nay, một chuyên gia trong ngành nhận định, thực tế lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam rất tiềm năng, điều này thể hiện rất rõ qua động thái của các tập đoàn, ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam đều nhắm tới lĩnh vực bán lẻ. Hiện nay chiến lược của ngân hàng ngoại cũng nhắm vào lĩnh vực bán lẻ. Vậy nên các ngân hàng trong nước cũng không thể bỏ qua lĩnh vực tiềm năng này.
Những "ông lớn" quốc doanh như BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank… thì cho rằng lợi thế sẽ đến từ mạng lưới giao dịch rộng khắp, hệ thống khách hàng doanh nghiệp lớn cùng với tiềm lực tài chính mạnh. Còn các ngân hàng với quy mô nhỏ, với những sở trường và lợi thế riêng, họ cũng đã có những kế hoạch khai thác khá hiệu quả.
Có thể nói, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ của các ngân hàng ngày càng gay cấn bởi ngân hàng nào cũng có lợi thế riêng. Và ngân hàng nào nắm “đúng” nhu cầu khách hàng, tung ra được những sản phẩm thị trường cần sẽ thành công không căn cứ đó là ngân hàng lớn hay nhỏ, NHTM quốc doanh hay cổ phần./.
Năm 2014 tổng huy động và dư nợ cho vay của NCB tăng lần lượt 29,89% và 35,74% so với cùng kỳ năm trước.
|