Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Điểm mặt" những vi phạm thường gặp của cơ sở hành nghề y, dược tư nhân

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Qua giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội cho thấy, tình trạng vi phạm hành nghề y, dược tư nhân phổ biến như: dược sỹ vắng mặt khi nhà thuốc hoạt động nhưng không thực hiện việc ủy  quyền; cơ sở chăm sóc sắc đẹp-spa không có chức năng hoạt động khám chữa bệnh nhưng vẫn quảng cáo...

Còn nhiều cơ sở hoạt động “chui" nhưng chưa được kiểm soát

Thực hiện chương trình công tác năm 2024, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tiến hành giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thông qua xem xét báo cáo của UBND TP, các Sở: Y tế, KH&ĐT, LĐTB&XH, TT&TT, Công an TP và 30 quận, huyện, thị xã; đồng thời từ ngày 9/7 đến 13/8, giám sát trực tiếp tại 4 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Qua giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục. Đó là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, người hành nghề y, dược tư nhân còn hạn chế, cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi trái quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với quận Hoàng Mai
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với quận Hoàng Mai

Tình trạng các cơ sở hoạt động “chui”, không có giấy phép hành nghề diễn ra khá phổ biến ở các quận, huyện, thị xã nhưng chưa kiểm soát được; một số y, bác sỹ tại các cơ sở y tế tư nhân hành nghề không đúng chuyên môn, chưa đặt sức khỏe người bệnh lên hàng đầu, "chạy" theo lợi nhuận…

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân còn tập trung nhiều vào các nội dung như: dược sỹ vắng mặt khi nhà thuốc hoạt động nhưng không thực hiện việc ủy  quyền theo quy định; người tham gia bán thuốc không có bằng cấp chuyên môn; hoạt động hành nghề khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; chưa thực hiện nghiêm túc việc thông báo, công khai danh sách người hành nghề dược; sắp xếp thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dụng cụ y tế để lẫn với thuốc; kinh doanh thuốc không còn nguyên bao bì nhãn mác và thuốc không đáp ứng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn thuốc; bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn của bác sỹ…;

Vẫn tồn tại các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt theo quy định; một số cơ sở không duy trì bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế sau khi được cấp phép; một số cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh chưa bảo đảm tuân thủ vấn đề xử lý rác thải y tế;

Các thành viên Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại một nhà thuốc trên địa bàn huyện Đông Anh
Các thành viên Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại một nhà thuốc trên địa bàn huyện Đông Anh

Đáng chú ý là các cơ sở chăm sóc sắc đẹp - spa không có chức năng hoạt động khám chữa bệnh nhưng vẫn quảng cáo hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ bằng các hình thức quảng cáo trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý, xử lý đối với các hoạt động quá phạm vi sang lĩnh vực y tế của các cơ sở thẩm mỹ viện, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa (các dịch vụ làm đẹp tiêm các chất đầy môi, mắt, má; cắt mí mắt...) còn lúng túng, bất cập.

Phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế như hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân chưa thật sự sát sao, quyết liệt, còn mang tính nể nang, chủ yếu là nhắc nhở, tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính thấp -  nhất là đối với tuyến quận, huyện, xã, phường. Chưa kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo khám, chữa bệnh; chưa kiên quyết xử lý đối với các cơ sở hoạt động không phép.

Công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài còn hạn chế, còn để xảy ra tình trạng các bác sĩ nước ngoài không có giấy phép nhưng vẫn hành nghề; sử dụng người phiên dịch trong khám, chữa bệnh không đúng với nhân sự đã đăng ký; không có người phiên dịch hoặc sử dụng người phiên dịch không có văn bằng chuyên môn về y tế và chưa được phê duyệt hoạt động tại phòng khám.

Một số cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo dảm yêu cầu khám, chữa bệnh: diện tích chật hẹp, không sạch sẽ, gọn gàng, phòng lưu bệnh nhân không có hệ thống chống sốc; không đảm bảo yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy...

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đã kiến nghị UBND TP phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành TP, cấp huyện, cấp phường trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, từng cá nhân trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.

Qua giám sát, Thường trực HĐND TP đã chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục
Qua giám sát, Thường trực HĐND TP đã chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục

Chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu phân cấp cho các quận, huyện, thị xã cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các phòng khám chuyên khoa, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược, nhà thuốc, GPP, giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc đối với các nơi đủ điều kiện; giúp giảm tải số lượng tiếp nhận hồ sơ cho Sở Y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hành nghề.

Đồng thời, tham mưu UBND TP có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Ban hành quy định phân cấp quản lý về hành nghề y, dược tư nhân và hoạt động thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn TP; phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn.

 

Tính đến 1/6/2024, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 15.339 cơ hành nghề y tư nhân. Về cơ bản, các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề y, dược tư nhân. Công tác cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động cho cơ sở hành nghề y, dược tư nhân bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quy trình cấp phép được rà soát và kịp thời điều chỉnh những bất cập.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn TP đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Từ 1/1/2021 đến 31/5/2024, Sở Y tế phối hợp các đơn vị tiến hành kiểm tra, thanh tra 1.115 lượt cơ sở (697 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh; 418 cơ sở hành nghề dược), tước 61 chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; xử lý vi phạm hành chính 691 cơ sở, tổng số tiền phạt là trên 13,5 tỷ đồng. Các quận, huyện, thị xã thanh tra 23.737 lượt cơ sở, xử lý vi phạm hành chính đối với 1.366 trường hợp, tổng số tiền phạt là trên 15 tỷ đồng, đóng cửa 324 cơ sở.