Điểm nhấn công nghệ tuần: Cần xây dựng hệ thống chặn lọc thông tin xấu đến lợi ích quốc gia

Ha Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần xây dựng hệ thống chặn lọc thông tin xấu đến lợi ích quốc gia; Website Việt Nam hứng hơn 6.500 sự cố tấn công từ đầu năm; Cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT... là nội dung chú ý tuần qua.

Cần xây dựng hệ thống chặn lọc thông tin xấu đến lợi ích quốc gia
Sáng 6/9/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước (QLNN) tháng 8 năm 2018.
 
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn nêu rõ, hiện Việt Nam có gần 100 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử viễn thông, CNTT, an toàn thông tin… nhưng không có sự dẫn dắt, định hướng cụ thể, hiệu quả.
Vấn đề an toàn, anh ninh mạng đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia dù Việt Nam có nhiều sản phẩm có thứ hạng đứng top 100, thậm chí có sản phẩm đứng trong top 5 hoặc top 10… Đặc biệt là vấn đề mạng xã hội được dư luận xã hội rất quan tâm trong thời gian qua. Hiện người dân Việt Nam vẫn phải dùng mạng xã hội nước ngoài, trong khi đó ở Việt Nam đã cấp phép hoạt động của hơn 400 mạng xã hội…
Từ đó, những thông tin xuất phát trên mạng xã hội, trên không gian mạng hiện chúng ta chưa có công cụ, công nghệ quản lý hoặc chưa biết cách quản lý… Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta phải xây dựng các hệ thống giám sát, hệ thống quan sát, hệ thống đo đạc, hệ thống cảnh báo, phải dùng công nghệ để chặn lọc thông tin xấu độc gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quyền Bộ trưởng cam kết Bộ TT&TT sẽ ủng hộ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, thuộc thẩm quyền của Bộ. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện để các Sở TT&TT đi công tác, đào tạo ở nước ngoài; Và các chuyến công tác nước ngoài các đoàn của Bộ sẽ mời doanh nghiệp đi cùng để gặp gỡ, trao đổi với các đối tác nước ngoài để hiểu nhau hơn, làm việc hiệu quả hơn.
Website Việt Nam hứng hơn 6.500 sự cố tấn công từ đầu năm
Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong 8 tháng đầu năm 2018, VNCERT ghi nhận có tổng cộng 6.567 sự cố tấn công vào các trang website của Việt Nam với cả 3 loại hình Malware, Deface và Phishing. Trong đó, số sự cố Deface đứng đầu, lên tới 3.818 sự cố; tiếp đó Phishing với 1.800 sự cố; số sự cố tấn công Malware là 949 sự cố.
 
Thống kê của VNCERT cho thấy, trong năm 2017, hệ thống giám sát của Trung tâm ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các website của Việt Nam, trong đó có 5.215 sự cố cài mã độc (Malware); 4.155 sự cố tấn công thay đổi giao diện trang web (Deface) và số sự cố tấn công lừa đảo (Phishing) là 2.101 sự cố.
Tại Việt Nam, hàng ngày có gần 100.000 địa chỉ IP truy vấn hoặc kết nối đến các mạng máy tính nhiễm virus. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng với tốc độ ước tính khoảng hơn 300% mỗi năm.
Các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Trong đó, các website có kiểu tên miền “.name.vn” bị tấn công nhiều nhất, chiếm tới 44,07%. Tiếp đến là các website có kiểu tên miền “.com.vn” (36,58%); “edu.vn” (9,45%).
Các trang website của các cơ quan, tổ chức nhà nước có kiểu tên miền “.gov.vn” chiếm 4,72% tổng số các sự cố tấn công vào các website của Việt Nam.
Nhận định tần suất sự cố mất an toàn thông tin mạng ở Việt Nam khá lớn, cũng từ số liệu thống kê từ hệ thống giám sát của VNCERT, đại diện lãnh đạo Trung tâm này cho hay, loại hình tấn công được tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm tới 70%.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các loại hình tấn công khác cũng được tin tặc sử dụng nhiều như: Tấn công chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web.
Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính nhiễm vi rút (mạng ma - botnet) với hơn 637.000 máy tính bị virus kiểm soát.
Trên trang thông tin điện tử http://securelisst.com, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia bị tấn công từ chối dịch vụ (DdoS) nhiều nhất trong quý IV/2017.
Cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT
Theo Vụ CNTT - Bộ TT&TT, năm 2017 cả nước đã có hơn 50.300 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNTT với tổng số nhân lực trên 928.000 người và tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm ngoái ước đạt 91.592 triệu USD.
 
Vụ CNTT cho biết, tổng số tỉnh, thành phố làm công nghiệp CNTT đã tăng từ con số 50 của năm 2016 lên 57 trong năm 2017, tăng 7 địa phương.
Số liệu thống kê của cơ quan này cho thấy, các chỉ tiêu về tổng doanh thu công nghiệp CNTT, kim ngạch xuất khẩu CNTT hay nhân lực CNTT, nộp thuế CNTT trong năm 2017 theo ước tính đều tăng trưởng so với năm 2016. Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 91.592 triệu USD, tăng trưởng hơn 35% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 83.364 triệu USD, tăng trưởng trên 28,7%; tổng số nhân lực CNTT là 928.103 người, tăng hơn 21,1%; và nộp thuế CNTT ước tính trên 23.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26%.
Số liệu thống kê của Vụ CNTT cũng chỉ ra rằng, so với năm 2016, mặc dù doanh thu từ các mảng phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT trong năm ngoái đều tăng trưởng song tỷ trọng doanh thu công nghiệp CNTT vẫn chủ yếu từ doanh thu phần cứng điện tử. Cụ thể, theo ước tính của Vụ CNTT, doanh thu phần cứng, điện tử năm 2017 là 81.582 triệu USD, tăng hơn 38,6% so với năm 2016, chiếm tới hơn 89% tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm ngoái; doanh thu phần mềm ước đạt 3.779 triệu USD, tăng gần 24,4%, chiếm tỷ trọng hơn 4,1% doanh thu công nghiệp CNTT; doanh thu nội dung số là 799 triệu USD, tăng 8,12%, chiếm gần 0,9% tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2017; và doanh thu dịch vụ CNTT là 5.432 triệu USD, tăng gần 7% so với 2016, chiếm trên 5,9% doanh thu công nghiệp CNTT năm 2017.
Báo cáo của Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho hay, tổng kim ngạch xuất khẩu CNTT của Việt Nam đã tăng từ 64.730 triệu USD năm 2016 lên 83.364 triệu USD trong năm 2017, đạt tỷ lệ tăng trưởng gần 28,8%. Cũng trong năm 2017, xuất khẩu phần mềm đạt 3.301 triệu USD, tăng hơn 32,1% so với năm 2016; xuất khẩu nội dung số đạt 734 triệu USD, tăng trên 11%; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 74.936 triệu USD, tăng gần 29,8%; và kim ngạch xuất khẩu dịch vụ CNTT đạt 4.393 triệu USD, tăng gần 14,4%.
Như vậy, trong cơ cấu xuất khẩu CNTT, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vẫn có đóng góp lớn nhất, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu CNTT của cả nước trong năm ngoái. Trong đó, về xuất khẩu sản phẩm, thiết bị phần cứng, điện tử năm 2017, điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất – hơn 63,6%, tiếp đó là mạch điện tử tích hợp (9,04%), dây cáp điện, cáp quang (4,92%), máy xử lý dữ liệu tự động (4,74%), máy in (4,37%) và 13,27% là tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm, thiết bị phần cứng điện tử khác.
Trong khi đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu sản phẩm, thiết bị phần cứng, điện tử của nước ta trong năm ngoái là mạch điện tử tích hợp chiếm, với 40,38%; với tỷ lệ 34,74%, điện thoại và linh kiện xếp vị trí thứ hai trong cơ cấu nhập khẩu sản phẩm, thiết bị phần cứng điện tử năm 2017; tiếp đó là, điện trở chiếm 6,44%; thiết bị bán dẫn chiếm 3,93%; máy xử lý dữ liệu tự động chiếm 2,69%; và 11,82% là các sản phẩm thiết bị phần cứng, điện tử khác.
Bphone 3 sẽ ra mắt đầu tháng 10 tới
Theo một nguồn tin từ nội bộ, Bkav đã chọn thời điểm chính thức ra mắt chiếc điện thoại Bphone thế hệ thứ 3. Có vẻ như Bkav đã tránh tổ chức sự kiện trùng thời điểm ra mắt của Apple vốn được diễn vào giữa tháng 9 bởi trước đó cũng có thông tin nhà sản xuất trong nước này sẽ ra mắt Bphone 3 trong tháng 9.
 
Mặc dù ngày ra mắt chưa được tiết lộ nhưng nguồn tin này khẳng định lễ ra mắt sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Như vậy, có thể chỉ trong ít ngày tới, thiệp mời ra mắt sản phẩm sẽ được gửi đến báo chí.
Bphone 3 thu hút sự quan tâm lớn gần đây khi Bkav mạnh tay quảng cáo trong những khung giờ vàng của các chiến dịch như World Cup 2018 hay ASIAD.
Theo những hình ảnh rò rỉ gần đây, có thể thấy Bphone thế hệ mới vẫn đi theo thiết kế phẳng với mặt lưng bằng kính, viền kim loại.
Một điểm đặc biệt đã được hé lộ trong thiết kế của sản phẩm này là máy sẽ trang bị màn hình tràn viền hoàn toàn ở mặt dưới, không có tai thỏ. Đây có thể là smartphone Android đầu tiên có thiết kế tràn viền thực sự ở cạnh dưới, giống iPhone X.
Là DN Việt Nam có xuất phát điểm hoạt động chính trong lĩnh vực bảo mật và CNTT, Bkav cho ra mắt mẫu smartphone cao cấp “Made in Vietnam” Bphone đầu tiên vào tháng 5/2015.
2 năm sau, vào tháng 8/2017, Bkav tiếp tục cho ra mắt smartphone thế hệ mới Bphone 2017 (còn gọi là Bphone 2) với sứ mệnh là đặt nền tảng cho ngành công nghiệp sản xuất smartphone của Việt Nam và theo công bố hồi đầu tháng 6/2018 của đại diện Bkav thì Bphone 2 đã hoàn thành sứ mệnh và sản lượng bán sản phẩm này vượt mong đợi.