Việt Nam có hệ thống phân tích và chia sẻ nguy cơ tấn công mạng
Bấm nút khai trương hệ thống. Ảnh Dân trí. |
Tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chính thức bấm nút khai trương hệ thống trước sự chứng kiến của đông đảo khách tham dự đến từ các cơ quan nhà nước, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tài chính, ngân hàng TMCP và một số cơ quan có liên quan trong lĩnh vực điều khiển công nghiệp (SCADA/ICS) và tài chính - ngân hàng.
“Hệ thống phân tích và chia sẻ nguy cơ tấn công mạng Việt Nam” là hệ thống cho phép thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin trực tiếp về dấu hiệu, nguy cơ và cuộc tấn công mạng đang xảy ra trên hệ thống của các cơ quan đơn vị. Mục tiêu của hệ thống nhằm tăng cường việc kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác nhau về các mối nguy cơ tấn công mạng đang diễn ra liên tục. Các thông tin này được chia sẻ trực tuyến tại địa chỉ: https://ti.khonggianmang.vn .
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, khi truy cập vào hệ thống, các cơ quan, đơn vị sẽ được chia sẻ các thông tin theo thời gian thực về: các dấu hiệu, hình thức tấn công mạng trên hệ thống thông tin của mình được Cục An toàn thông tin tổng hợp, phân tích và xử lý từ nhiều tổ chức trên thế giới; danh sách cập nhật các địa chỉ IP, máy chủ C&C, và các mạng botnet, APT tại Việt Nam;
Danh sách cập nhật các mẫu mã độc (mã hash, tên mã độc, báo cáo phân tích) trên thế giới và Việt Nam; thông tin cập nhật về các lỗ hổng, hiểm yếu bảo mật mới đối với các ứng dụng, các hệ thống CNTT; các thông tin cập nhật liên tục về tình tình an toàn thông tin của Việt Nam và thế giới.
Điểm mới của hệ thống bên cạnh cung cấp thông tin bị động thì hệ thống cũng cho phép các cơ quan đơn vị có thể cung cấp thông tin về các hệ thống public như (Dải IP, domain ứng dụng…) để truy vấn ngược liên tục để xác định có các tấn công vào các hệ thống của tổ chức mình trong hệ thống dữ liệu tập trung hay không. Ngoài ra các tổ chức cũng có thể tra cứu dữ liệu đã bị rò rỉ liên quan đến cơ quan tổ chức trên không gian mạng.
Sắp thành lập Ủy ban quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) là diễn đàn chính sách, công nghệ và thúc đẩy hợp tác quy mô quốc gia và quốc tế, được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2011 với sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Những năm qua, Vietnam ICT Summit luôn thu hút sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu và giới truyền thông cùng thảo luận, chia sẻ về tầm nhìn, xu thế phát triển, đặc biệt là các giải pháp lớn đưa CNTT làm nền tảng hạ tầng tạo phương thức phát triển mới.
Cùng với đó, các kỳ Vietnam ICT Summit hàng năm đều đưa ra thông điệp về chính sách và công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đặc biệt, trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng số hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), từ năm 2016, Vietnam ICT Summit đã hướng tới mục tiêu tìm kiếm giải pháp cho Việt Nam nắm bắt được thời cơ của cuộc CMCN 4.0, tiến cùng thời đại số.
Cụ thể, với chủ đề “Cách mạng số - Cơ hội và Thách thức”, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 6 đã tạo dấu ấn đặc biệt và được đánh giá là một diễn đàn phát triển kinh tế - xã hội quốc gia có tầm chiến lược và ý nghĩa quan trọng khi lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chính thức phát biểu chỉ đạo về quyết tâm của Chính phủ nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp đó, năm 2017, Diễn đàn lần thứ 7 với chủ đề “Việt Nam: Chuyển đổi số trong công nghiệp 4.0” thảo luận về xây dựng Chiến lược số của Việt Nam trong CMCN 4.0 đã thiết thực góp phần cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
Với năm nay, thông tin từ VINASA vừa cho biết, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 8 - năm 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/7 tới. Có chủ đề “Chính phủ số, kinh tế số trong thời chuyển đổi số”, Diễn đàn lần này nhằm đóng góp thiết thực vào quá trình triển khai xây dựng chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020.
Dự kiến, Vietnam ICT Summit 2018 sẽ có sự tham dự của khách mời đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các khách mời diễn giả quốc tế như: ông Idris Jala - Chủ tịch Công ty tư vấn toàn cầu PEMANDU, nguyên Chủ tịch Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả chuyển đổi quốc gia Malaysia; ông Siim Sikkut - Giám đốc CNTT Chính phủ, Bộ Kinh tế và Truyền thông Estonia; và ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam.
Galaxy Note 9 chuẩn bị ra mắt
Sự kiện ngày 9/8 đã được trang Bloomberg đưa theo nguồn tin đồn hồi đầu tháng, và bản thân Note 9 gần đây đã nhận được sự phê duyệt của FCC, vì vậy một sự kiện về Note 9 ra mắt có thể sẽ sớm diễn ra.
Đối với Note 9, tin đồn cho biết đó sẽ là bản nâng cấp tương tự với Note 8 vì Galaxy S9 là S8 năm ngoái. Máy sẽ tập trung vào phần máy ảnh, được cải tiến hơn và là một thiết kế hoàn toàn đại tu. Giấy mời của Samsung cũng có vẻ gợi ý thiết bị sẽ có màu vàng.
Trước đó theo nhiều nguồn tin S Pen trên Galaxy Note 9 sẽ là phiên bản nâng cấp ấn tượng nhất từ trước đến nay của dòng Galaxy Note, bao gồm việc tích hợp kết nối Bluetooth và có thể sử dụng như một chiếc loa không dây.
Một tính năng đặc biệt được cho là sẽ xuất hiện trên cây viết S Pen của Galaxy Note 9 đó là cho phép người dùng sử dụng S Pen để viết lên một bề mặt phẳng và những nội dung được viết này sẽ hiển thị trên màn hình của Galaxy Note 9 mà không cần phải viết trực tiếp lên thiết bị.
Về mặt cấu hình bên trong, Galaxy Note 9 được cho là sẽ có cấu hình tương đương với bộ đôi Galaxy S9 ra mắt hồi đầu năm, với bộ vi xử lý Snapdragon 845 của Qualcomm hoặc Exynos 9810 do Samsung phát triển (tùy thuộc theo thị trường), bên trong là bộ nhớ RAM 6GB đi kèm bộ nhớ lưu trữ 128GB hoặc 256GB.
Tuy nhiên nhiều khả năng Samsung sẽ cho ra mắt phiên bản Galaxy Note 9 cao cấp tại một số thị trường đặc biệt như Trung Quốc, với bộ nhớ RAM 8GB và bộ nhớ lưu trữ lên đến 512GB.
Mặt sau của sản phẩm vẫn là cụm camera kép 12 megapixel hỗ trợ công nghệ chống rung quang học như trên phiên bản cũ, đi kèm với thỏi pin có dung lượng 3.850mAh.
Đáng chú ý là cảm biến vân tay ở mặt lưng sản phẩm sẽ được bố trí phía bên dưới cụm camera kép, thay vì bố trí ngang hàng, giúp người dùng tiếp cận với cảm biến vân tay được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Việt Nam đứng thứ 25 thế giới về tỷ lệ sở hữu smartphone
Trung tâm Nghiên cứu Pew đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 40.500 người tham gia ở 37 quốc gia từ 16/2 tới 6/5/2017 về xu hướng và thói quen sử dụng Internet và mạng xã hội cũng như sở hữu smartphone.
Hàn Quốc đứng thứ nhất thế giới trong hạng mục sở hữu điện thoại thông minh với 94%, đứng thứ hai là Israel (83%), Úc (82%), Thụy Điển, Hà Lan và Lebanon (80%). Việt Nam đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng với khoảng 53% tỷ lệ sở hữu smartphone.
Về tỷ lệ sử dụng Internet, Việt Nam với hơn 64% đứng thấp hơn mức trung bình của thế giới (75%). Hàn Quôc tiếp tục dẫn đầu ở hạng mục này với hơn 96%, theo sau là Úc và Hà Lan (93%), Thụy Điển (92%), Canada (91%).
Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội của Việt Nam ngang bằng với mức trung bình của thế giới, 53%, còn hai quốc gia dẫn đầu là Jordan và Lebanon với hơn 70%, cao hơn cả những cường quốc công nghệ phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc.