Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn kinh tế tuần: Không dùng ngân sách Nhà nước xử lý dự án thua lỗ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án thuộc ngành công thương.

Xử lý triệt để các dự án thua lỗ, kém hiệu quả
Tuần qua, văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về xử lý các tồn tại yếu kém, không hiệu quả của một số dự án và doanh nghiệp ngành công thương.
 Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên là điển hình cho các dự án thua lỗ của ngành công thương
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản Nhà nước, theo nguyên tắc thị trường, không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách Nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Có tổng số 12 dự án được cho là thua lỗ, hoạt động kém hiệu cần được xử lý dứt điểm.
Sẽ tái cơ cấu 5 ngân hàng trong năm 2017
Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiết lộ danh sách 5 ngân hàng cần phải xử lý trong năm 2017 gồm: 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank, VNCB), DongABank và một ngân hàng cổ phần lớn ở phía Nam.
 
Việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai mạnh mẽ trên nguyên tắc đảm bảo tính thanh khoản, ổn định và phát triển hệ thống. NHNN đã nhận diện và đang thực hiện tái cơ cấu 5 ngân hàng dựa trên nguyên tắc trên
Xét về thể chế, NHNN đã xây dựng các phương án mua 3 ngân hàng 0 đồng, DongABank và một ngân hàng cổ phần lớn ở phía Nam. Đối với 5 ngân hàng này, NHNN đã trình Chính phủ và Bộ chính trị để có kết luận chi tiết.
“Thủ tướng đang xem xét phê duyệt trước khi NHNN triển khai vào đầu năm 2017. Đây là năm bản lề để NHNN tập trung xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém”, đại diện NHNN nhấn mạnh.
Tiết kiệm được 1.900 tỷ đồng nhờ giảm chi phí phát hành tiền
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, đơn vị này sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết lên đến 1.900 tỷ đồng.
 
Cũng trong đợt Tết Âm lịch sắp tới, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm. Trong đó, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, NHNN sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành phố để chi ra lưu thông.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm về việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Đặc biệt, NHNN sẽ nghiêm cấm cán bộ NHNN, TCTD lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn và xử lý kỷ luật nghiêm trường hợp cán bộ vi phạm.
Đạm Ninh Bình sẽ tiếp tục lỗ nặng trong 2017
Mới đây, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã thông qua phương án sản xuất của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chủ đầu tư của nhà máy đạm Ninh Bình. Theo đó, tình hình kinh doanh của nhà máy này trong năm 2017 được dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ.
 
Cụ thể, nếu dừng toàn bộ nhà máy như thực tế đã diễn ra từ tháng 7/2016 đến nay, tổng số lỗ sẽ lên đến 1.200 tỷ đồng trong năm 2017. Tuy nhiên, nếu quay sang sản xuất đạm ure với số lượng dự kiến là 290.000 tấn, số lỗ sẽ giảm xuống còn 250 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà máy đạm Ninh Bình đã bố trí 23 tỷ đồng để mua vật tư chuẩn bị cho khởi động lại máy và vận hành sản xuất nửa đầu tháng 1/2017. Bên cạnh đó, nhà máy cũng triệu tập được 904 công nhân quay trở lại làm việc.
Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem đầu tư là một trong những dự án thua lỗ điển hình của ngành Công thương. Có tổng vốn lên đến 667 triệu USD tương đương 12.000 tỷ đồng nhưng từ khi đi vào hoạt động (2012) cho đến nay nhà máy này liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.