Vô số dự án bất động sản bị "cắm" tại ngân hàng Trong tuần qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh đã công bố bảng danh sách 77 dự án bất động sản bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng trên địa bàn TP. Thông tin này đã gây phản ứng mạnh từ người mua cũng như giới kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa |
Danh sách này có sự góp mặt của nhiều đại gia bất động sản như Him Lam tại dự án Riverside lô A3, Quốc Cường Gia Lai tại khu dân cư 6B thuộc Khu đô thị Nam thành phố (huyện Bình Chánh), Công ty Nam Long thế chấp khu dân cư ở phường An Lạc (Bình Tân), Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng thế chấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh. Quận 2 là địa phương có nhiều dự án bị thế chấp nhất khi lên đến 13 dự án. Tuy nhiên theo giới chuyên môn đánh giá, bảng danh sách này chỉ dừng ở mức điểm danh một cách thuần túy, không chỉ rõ dự án bị thế chấp vì mục đích gì lại chưa được làm rõ. Thậm chí Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) còn cảnh báo, việc thiếu thông tin như vậy sẽ khiến một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực. HoREA cho rằng, bên cạnh một số chủ đầu tư huy động vốn trái phép thông qua thế chấp dự án tại ngân hàng nhưng cũng không thiếu dự án thực hiện quy trình này theo đúng quy định của pháp luật và được ngân hàng đảm bảo. Sở Tài nguyên - Môi trường cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà, HoREA đề nghị. Diễn biến thực tế cũng đúng như phản ứng của HoREA, người mua thì liên tục liên hệ với chủ đầu tư để đặt nghi vấn về việc mình có bị lừa hay không. Trong khi đó các chủ đầu tư thế chấp dự án một cách minh bạch và an toàn thì "kêu trời" vì gặp rắc rối không đáng có. Theo thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội tính đến ngày 29/7/2016, có hơn 30 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Trong danh sách thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có nhiều “đại gia” bất động sản như: Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest (Khu đất có ký hiệu TTDV-01, KĐTM An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất, Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (Khu A, B Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp 1 phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - Khu Cổ Ngựa, Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt (KĐTM Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất… Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, với riêng Hà Nội hiện nay Sở hoàn toàn chủ động và kiểm soát được vấn đề này. Đối với người mua nhà chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo nên tìm hiểu đối với các dự án, các nhà đầu tư thông qua các cơ quan chuyên môn trước khi quyết định mua. Như khách hàng muốn mua dự án nào có thể liên hệ với Sở Tài nguyên môi trường để hỏi nếu tôi mua thì tôi có được cấp giấy chứng nhận hay không. Đây là quyền của người dân và Sở Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này.
Vẫn chưa thu được 3.600 tỷ đồng thuế chuyển nhượng Big C Việt Nam Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi đại diện Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Dịch vụ đại siêu thị Big C Thăng Long liên quan đến việc kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ thương vụ chuyển nhượng vốn hệ thống Big C Việt Nam. Ảnh minh họa |
Cụ thể, thương vụ chuyển nhượng trên giữa Tập đoàn Casino (Pháp) và Central Group (Thái Lan) có tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu EUR, tương đương 1,05 tỷ USD vì vậy số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng này khoảng 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên tới hiện tại Tổng cục Thuế vẫn chưa nhận được đồng thuế chuyển nhượng nào. Tổng cục Thuế cũng chỉ rõ, từ ngày thông báo chuyển nhượng thương vụ là 29/4 tới 18/7 đã là 81 ngày. Do đó, để giảm thiểu xử lý vi phạm, Tổng cục Thuế đề nghị Central Group và hệ thống siêu thị Big C Việt Nam thực hiện kê khai nộp thuế với hoạt động chuyển nhượng. DN đa cấp tiếp tục bị phạt Tuần qua, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiến hành xử phạt đối với Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam và Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam do vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tổng số tiền phạt lên đến hơn 800 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Các DN này đã bị phát hiện ra các lỗi như: không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp. Đưa thông tin sai lệch về hàng hóa... Ngoài ra, Absonutrix Việt Nam còn vi phạm việc không khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng. Thép Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam xuất sang EU Thương vụ Việt Nam tại Pháp vừa cho biết, trong thời gian qua, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) đã ghi nhận một số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại. Ảnh minh họa |
Cụ thể, OLAF nghi ngờ khả năng có DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để DN Việt Nam xuất khẩu sang EU dùng C/O Việt Nam do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp để tránh thuế chống bán phá giá. Nếu nghi ngờ này được xác minh, OLAP sẽ kiến nghị Hải quan các nước nhập khẩu truy thu thuế chống bán phá giá (58%) mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc. Được biết, trong giai đoạn 2013 – 2014, đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn phủ sơn được xếp lên tàu tại các cảng của Việt Nam và mang theo giấy C/O Việt Nam được nhập khẩu vào EU. Tổng trị giá các chuyến hàng khoảng 19 triệu USD. Giá vàng thế giới tăng, vàng SJC giảm Chốt cuối tuần trước, giá mua-bán vàng SJC chủ yếu ở mức 36,57-36,67 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới chốt tuần ngưỡng 1.330 USD/oz. Mở cửa phiên đầu tuần này (ngày 25/7), giá vàng SJC trong nước đã giảm 220.000 đồng/lượng, giao dịch mua-bán quanh mức 36,23-36,56 triệu đồng/lượng. Các đơn vị KDVB, như: Tập đoàn DOJI, Công ty Phú Quý niêm yết giá mua-bán vàng SJC cùng mức 36,38-36,46 triệu đồng/lượng. Tính theo tỷ giá trong ngày, vàng thế giới trong phiên đầu tuần ở mức giá 35,48 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 700.000 đồng/lượng. Vàng trên thị trường thế giới phiên đầu tuần lại lao dốc về mức 1.317-1.318 USD/oz. Ảnh minh họa. |
Trong 2 ngày 26 và 27/7, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp định kỳ đưa ra một số quyết sách, trong đó nhà đầu tư mong đợi nhất là lãi suất đồng đôla. Nhưng cuối phiên họp không có quyết định nào đưa ra, và vàng tại thị trường Mỹ cũng như châu Á tăng lên 20-21 USD/oz, giao dịch chốt phiên ngày 27/7 ở mức 1.340 USD/oz, và vàng giao theo kỳ hạn tăng lên ở mức 1.338 USD/oz. Chỉ sau đó 1 ngày, Mỹ công bố kết quả tăng trưởng kinh tế quý II, với mức tăng chỉ 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động ngay đến công cụ trú ẩn là vàng. Phiên giao dịch rạng sáng 30/7 tại Mỹ (giờ Việt Nam) vàng đã tăng lên chốt phiên cuối tuần trên thị trường này ở mức 1.353 USD/oz, tăng 13 USD/oz so với chốt phiên trước đó và thị trường châu Á trưa nay cũng chốt phiên giao dịch tuần ở mức hơn 1.351 USD/oz, tăng 12 USD/oz so với phiên trước đó. So với đầu tuần giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng 35 USD/oz. Tính theo tỷ giá ngân hàng vàng trên thị trường thế giới tuần qua đã tăng trên 780.000 đồng/lượng so với phiên đầu tuần. Trong khi vàng thế giớ chỉ có 1 phiên giảm đầu tuần thì vàng ở thị trường trong nước lại giảm liên tiếp 3 phiên, và 1 phiên đi ngang vào ngày 28/7 và chỉ có 2 phiên tăng, do đó tính chung cả tuần vàng SJC vẫn giảm so với cuối tuần trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường cuối tuần trước giao dịch mua – bán quanh mức 36,57-36,67 triệu đồng/lượng. Cụ thể, phiên mở cửa tuần vàng SJC đã giảm 220.000 đồng/lượng, trên thị trường tự do giao dịch mua-bán quanh mức 36,23-36,56 triệu đồng/lượng. Các đơn vị KDVB, như: Tập đoàn DOJI, Công ty Phú Quý niêm yết giá mua-bán vàng SJC cùng mức 36,38-36,46 triệu đồng/lượng. Hai phiên cuối tuần vàng mới nhích tăng. Trong đó phiên ngày 30/7, ở thị trường tự do lúc mở cửa vàng SJC đã bật tăng mỗi lượng lên 230.000 đồng/lượng so với chốt phiên ngày 29/7. Các thị trường chính như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều niêm yết giao dịch lúc 8h20 mua-bán ở mức 36,55-36,83 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI và Công ty Phú Quý niêm yết giá mua-bán vàng SJC ở mức 36,65-36,8 triệu đồng/lượng. Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua-bán vàng ở mức 36,44-36,49 triệu đồng/lượng. Nhưng chốt phiên cuối tuần ở cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng lại giảm về mức 36,47-36,75 triệu đồng/lượng (mua-bán). Công ty Phú Quý và Tập đoàn DOJI chốt tuần với mức giá chung là 36,63-36,73 triệu đồng/lượng. Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu chốt giá vàng SJC mua-bán ở mức 36,64-36,72 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ có Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng SJC trong phiên cuối tuần còn lại thị trường tự do, Công ty Phú Quý và DOJI đều giảm 80.000 đồng/lượng so với đầu phiên. So với cuối tuần trước giá vàng SJC đã giảm 100.000 đồng/lượng. Theo khảo sát của phố Wall, phần lớn các nhà đầu tư lạc quan về giá vàng trong tuần tới, dự báo có thể tăng lên trên mức 1.360 USD/oz. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư hướng vào vàng trong thời gian tới.