Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sáng trong bảo đảm an toàn giao thông

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm trở lại đây, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn Hà Nội từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo người dân.

 Lực lượng CSGT kiểm tra xử lý một trường hợp chở hàng cồng kềnh trên đường 32.
Kiềm chế tai nạn 
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2006, trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ đã xảy ra 310 vụ TNGT, làm chết 308 người và 155 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2005 tăng cả 3 mặt với 33 vụ (11,9%), 38 người chết (14,1%) và 5 người bị thương (3,3%). Thậm chí theo báo cáo này, trong tháng 9/2006 – tháng ATGT, các tiêu chí về trật tự ATGT đều giảm thì tại Hà Tây (cũ), số vụ, số người chết, bị thương vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Thời điểm đó của năm 2006, toàn tỉnh xảy ra tới 37 vụ TNGT, làm chết 38 người, bị thương 20 người. So với tháng liền kề tăng 5 vụ, 7 người chết và 4 người bị thương, so với cùng kỳ tăng tới 10 vụ, 11 người chết và 4 người bị thương.

Trong năm 2007, khi tỉnh Hà Tây (cũ) tạo được bước “đột phá thần kỳ” về công tác đảm bảo trật tự ATGT so với mặt bằng chung của cả nước (giảm được cả 3 tiêu chí với 102 vụ (23,5%), 79 người chết (18,1%) và 48 người bị thương (21,3%) so với năm 2006), thì những con số liên quan đến TNGT cũng khiến không ít người phải giật mình. Năm đó, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 332 vụ TNGT, làm chết 358 người và bị thương 177 người, tức cứ một vụ TNGT xảy ra là có hơn 1,6 người chết và bị thương.

Trong 10 năm qua, với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tích cực, tình hình trật tự ATGT tại các huyện khu vực phía Tây Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan. Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an Hà Nội, năm 2017, trên địa bàn TP xảy ra 1.445 vụ TNGT, làm 583 người chết, 1.126 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2016, giảm 104 vụ (6,7%), giảm 11 người chết (1,9%), giảm 180 người bị thương (13,8%). Cùng với đó, trong năm 2017, Hà Nội đã giải quyết 17 điểm ùn tắc, xử lý được 46 điểm đen về TNGT, trong đó, nhiều điểm thuộc địa bàn các huyện ven đô.

Tăng xung lực cho ngoại thành

Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng CSGT cho biết, nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP, những năm qua, Phòng CSGT đã chủ động nắm tình hình tham mưu các biện pháp, kế hoạch giải quyết kịp thời mọi vấn đề phức tạp liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt với các khu vực ngoại thành, nơi ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Cùng với đó, các tổ công tác 141 của Công an TP do lực lượng CSGT làm chủ công đã từng bước mở rộng địa bàn, phủ kín các huyện. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự ATGT, an ninh trật tự, phòng chống tội phạm…

Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết thêm, đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, Phòng CSGT đã chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an TP báo cáo UBND TP Hà Nội có biện pháp chỉ đạo kiên quyết không để phát sinh đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ đường ngang trái phép. Duy trì công tác tuyên truyền các quy định về đảm bảo trật tự ATGT trên 9 cụm loa tuyên truyền tại các đường ngang, thường xuyên thay đổi nội dung tuyên truyền. Xây dựng đĩa tuyên truyền phối hợp công an các quận, huyện có đường sắt đi qua phát trên loa truyền thanh của các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân sống dọc 2 bên đường sắt không vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.

Đánh giá về công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định, mỗi năm trôi qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP Hà Nội lại có những chuyển biến tích cực trên cả 3 tiêu chí được Đảng, Chính phủ và Nhân dân ghi nhận đánh giá cao.
Tuy nhiên, để duy trì, phát huy hiệu quả cao hơn, thời gian tới, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiên quyết trong xử lý vi phạm; tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân ở các khu vực ngoại thành. Đồng thời, tăng cường mở rộng, phát triển hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang ngày càng tăng cao.