Ước mơ kiểu “thành phố”
Con mắt trẻ thơ nhìn về hạnh phúc không phải những ước vọng lớn lao, mà là những việc làm rất đời thường như: Những chuyến dã ngoại cùng bố mẹ và anh chị, khoảnh khắc được vào thăm một bạn nhỏ bị mắc bệnh ung thư, rồi tiếp đến là chuyến thăm quê được nhìn ngắm con thuyền, dòng sông hay cánh diều… “Đó là những ước mơ hạnh phúc rất TP của trẻ em Hà Nội” - bà Nguyễn Minh Hạnh - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT&DL Hà Nội, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Hạnh phúc của bé” chia sẻ.
Phát động hơn một tháng, nhưng cuộc thi đã thu hút gần 200 thiếu nhi đến từ các quận, huyện trên địa bàn TP. Các em lứa tuổi từ 5 - 12 đã bày tỏ những ước mơ về hạnh phúc của mình thông qua nét vẽ. Nhìn những nghệ sĩ nhí không chuyên hồn nhiên thể hiện từng nét vẽ trên các dụng cụ thô sơ như tờ giấy A3, chiếc bút chì 2B, sáp màu…, dễ thấy niềm vui giản đơn của trẻ thơ. Nếu như với Trần Vũ Ngọc Ánh (12 tuổi) hạnh phúc được ngắm quê hương cùng con thuyền, dòng sông và ngôi nhà lá đơn sơ, thì với Nguyễn Anh Vũ (9 tuổi), hạnh phúc là khoảnh khắc cùng bố mẹ đón em bé chào đời, với Hà Thị My (11 tuổi) là giây phút đi chơi Giáng sinh cùng cha mẹ… Hạnh phúc qua con mắt trẻ thơ là những điều giản dị xung quanh các hoạt động của gia đình và nhà trường. Không gửi gắm nhiều thông điệp lớn lao, Trần Thị Lê Vân (12 tuổi), tác giả giành giải Nhất cuộc thi tâm sự: “Bố mẹ em đi làm cả ngày, 2 chị em cũng thường học bán trú, chính vì vậy, gia đình rất khi ăn cơm trưa ở nhà. Mỗi dịp cuối tuần, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ríu rít ăn món ngon do mẹ nấu, em lại thấy vui”.
Điểm tựa của hạnh phúc
Trong cuộc sống đô thị náo nhiệt, để tạo môi trường hạnh phúc nhất cho tuổi thơ, những người làm văn hóa luôn tâm niệm phải tạo dựng điểm tựa hạnh phúc từ chính các gia đình. Chính vì vậy, ở Hà Nội, phong trào xây dựng gia đình văn hóa vẫn được coi là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên và lâu dài. Trong từng giai đoạn phát triển của TP, những tiêu chuẩn cơ bản nhất để xây dựng gia đình văn hóa được áp dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với thực tiễn vận động xã hội.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Hà Nội được gắn với tiêu chí xây dựng Người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Ngoài 4 tiêu chuẩn cụ thể của gia đình văn hóa còn có tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng Người Hà Nội văn minh - thanh lịch - hiện đại, được kết hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện phong trào. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong tổng số hộ dân của TP khá cao, từ 85 - 87%.
Việc phát động Nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được tiến hành với 2 hình thức: Đăng ký tại tổ dân phố và tại gia đình, đã thực sự đi vào chiều sâu và có giá trị giáo dục cao, đặc biệt là việc đăng ký tại gia đình. Ví như những năm gần đây, các phường Vĩnh Tuy, Quỳnh Lôi, Thanh Lương, Trương Định (quận Hai Bà Trưng) đã có nhiều sáng tạo trong việc vận động đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Làm tốt việc tổ chức cho Nhân dân đăng ký đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ dân phố vận động Nhân dân thực hiện xây dựng gia đình văn hóa.
Tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), khu tập thể nhà E1 của Công ty Thuốc lá Thăng Long triển khai phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa - Khu tập thể văn minh” bằng phương pháp rất đồng bộ như: Các Bí thư Chi bộ, cụm trưởng, đại diện Ban công tác Mặt trận, các tổ trưởng tổ dân phố, các chi hội trưởng phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… từ chỗ quán triệt sâu sắc tinh thần của phong trào, đã chia thành nhiều nhóm tới từng hộ gia đình tìm hiểu, vận động, phát phiếu đăng ký, hướng dẫn các gia đình tự chấm điểm thi đua theo các mục như quy định tiêu chuẩn của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, các tổ dân phố họp các gia đình để các hộ thảo luận, bàn bạc đưa ra phương hướng, biện pháp thực hiện có hiệu quả. Nhờ cách làm dân chủ, công khai này mà các hộ gia đình đều có ý thức phấn đấu, khi có khuyết điểm thì từng thành viên trong gia đình giúp nhau sửa chữa để “trong ấm ngoài êm”.
Ở các phường Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” lên đến 95%. Một điểm chung của phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại đây là ngoài những tiêu chuẩn mà Ban Chỉ đạo quy định, các gia đình còn phải thực hiện và đạt được các quy ước của làng. Đây là một việc làm vừa kế thừa có chọn lọc truyền thống (dựa trên những điều khoản của hương ước cổ để lại), vừa xây dựng theo những tiêu chuẩn mới hiện nay (do Ban Chỉ đạo đưa ra). Chẳng hạn, ở thôn Viên, phường Cổ Nhuế, phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa” luôn được chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba là một tiêu chuẩn quan trọng để bình xét khi đánh giá các gia đình đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa. Thôn Viên đã tổ chức tọa đàm về nội dung “Nam nông dân với dân số - kế hoạch hóa gia đình”; mỗi quý một lần tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình chăm sóc con cái. Thôn Viên đã thực hiện liên tục phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa” bằng cách tổng kết phong trào năm trước kết hợp với phát động phong trào đăng ký gia đình văn hóa cho năm sau.
Song song với việc tuyên truyền và triển khai phong trào theo các tiêu chuẩn cụ thể, việc thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ văn hóa gia đình ở các địa bàn được TP Hà Nội chú trọng. Câu lạc bộ văn hóa gia đình đã đóng góp tích cực vào sự chuyển biến về nhận thức của Nhân dân, nâng cao chất lượng của Cuộc vận động. Điển hình như Câu lạc bộ văn hóa gia đình ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) tổ chức sinh hoạt chuyên đề với những nội dung phong phú, đa dạng như: Tìm hiểu về gia đình Việt Nam xưa và nay, quan hệ đôi lứa, những mâu thuẫn nảy sinh ở từng giai đoạn hôn nhân, vấn đề kế hoạch hóa gia đình, quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ bố mẹ chồng - nàng dâu, gia đình với công tác phòng chống ma túy HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô; đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, sống có đạo lý giúp nhau cùng tiến bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại.
Các em nhỏ thực hiện bài thi tại Hội thi. Ảnh: Thanh Loan
|
Tác phẩm tại Hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Hạnh phúc của bé”.
|
Tác phẩm tại Hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Hạnh phúc của bé”.
|
Ban Giám khảo cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Hạnh phúc của bé” đã chọn lựa ra 19 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Các tác phẩm đoạt giải thể hiện phong phú và đa dạng ước mơ và câu chuyện về hạnh phúc trong mắt các em như: “Bữa trưa vui vẻ của gia đình em” của Trần Thị Lê Vân (12 tuổi); “Đi thăm bệnh nhân khoa ung thư” của Đinh Phương Trà (11 tuổi); “Cánh diều ước mơ” của Nguyễn Ngọc Thái sơn (7 tuổi); “Hạnh phúc là khi có gia đình” của Dương Lan Chi (12 tuổi). Các tác phẩm đoạt giải được trao giải thưởng cùng bằng chứng nhận của Ban Tổ chức trong chương trình Nhạc hội chào mừng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (diễn ra vào 18 giờ 30 phút ngày 30/3/2015). Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, sáng 20/3, Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức buổi tư vấn nói chuyện chuyên đề cùng tiến sĩ khoa học Đoàn Hương. Nhà khoa học nữ có uy tín trong giới văn học đã chia sẻ nhiều khái niệm về hạnh phúc trong văn chương xưa và nay; quan niệm hạnh phúc của thế hệ 5x, 6x và hạnh phúc của lớp thanh niên, sinh viên bây giờ. Điểm nhấn của các hoạt động Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại Hà Nội là chương trình biểu diễn nghệ thuật, xây dựng khu vui chơi sáng tạo diễn ra trong buổi chiều và buổi tối cùng ngày. |