Diễn đàn bất động sản Việt Nam 2019: “Điểm danh” cơ hội và thách thức của thị trường

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh. Từ đầu năm 2019 đến nay, những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã khiến doanh thu và lợi nhuận của nhóm DN niêm yết trên sàn chứng khoán giảm.

Ngày 27/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với VITV đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019. Tại đây, các cơ quan chức năng, DN bất động sản, các chuyên gia... đã cùng thảo luận và trao đổi kinh nghiệm để phát triển thị trường bất động sản hiệu quả và bền vững.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, 3 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có sự phát triển ổn định.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn 3 năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh.
Từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế cũng như khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Các yếu tố này đã khiến doanh thu và lợi nhuận của nhóm DN niêm yết trên sàn chứng khoán giảm.
Mặt khác, đa số DN bất động sản Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel không còn sôi động như giai đoạn trước. Ngoài ra, việc thực hiện những quy định về quy hoạch, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng..., kể cả thủ tục hành chính cũng được siết chặt, cũng làm giảm mạnh các dự án được phê duyệt và triển khai.
Từ việc nhận diện những khó khăn, thách thức của thị trường, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nêu ra 5 cơ hội lớn của thị trường này trong thời gian tới.
 
Một là, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6 - 6,8%) mà Quốc hội đề ra.
Hai là, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực.
Ba là, dư địa phát triển rất lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn.
Thứ tư là, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh và ngày một thực chất hơn. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, vốn FDI đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Năm là, sự chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ đó, tổng đầu tư hạ tầng đến nay đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua cả khối các nền kinh tế Đông Á, vốn nổi tiếng với mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao.
Chỉ trong vòng 7 năm từ 2012 - 2019, cả nước đã có thêm 838km đường cao tốc mới được đầu tư mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.