"Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với phát biểu của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về vấn đề khí đốt. Chúng tôi cho rằng đây là một quan điểm sai lầm", người phát ngôn Dmitry Peskov khẳng định hôm 8/10.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn BBC, Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan nói rằng Nga sẽ phạm sai lầm nếu quyết định sử dụng khí đốt như “một vũ khí chính trị" trong bối cảnh khan hiếm năng lượng tại châu Âu hiện nay.
Ông Peskov khẳng định chính các nước châu Âu đã công nhận rằng Nga đã tuân thủ tất cả các cam kết trong hợp đồng khí đốt. Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh Nga đã nhiều lần đề nghị các nước châu Âu thảo luận để sớm ký kết các hợp đồng khí đốt dài hạn hơn nhằm ổn định thị trường năng lượng.
Quan chức Nga lưu ý thêm rằng nước này chưa bao giờ sử dụng nguồn năng lượng như một vũ khí chính trị hoặc nhằm gây áp lực chính trị đối với bất kỳ quốc gia nào. “Điều này chưa bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra", ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, phía Mỹ mới là nước nhiều lần cảnh báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các dự án năng lượng thương mại có khả năng duy trì sự ổn định trên thị trường châu Âu.
Trong một diễn biến liên quan, Điện Kremlin ngày 7/10 thông báo Nga có khả năng tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt ở khu vực này tăng mạnh đang gây áp lực lớn đến người tiêu dùng.
Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh các tuyến trung chuyển khí đốt hiện nay có thể đảm bảo cho việc tăng nguồn cung nhiên liệu này trước khi tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 bắt đầu được vận hành. Hiện tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu, các quy định theo hợp đồng và các thỏa thuận thương mại.
Lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga hiện chiếm khoảng 90% trong tổng nhu cầu khí đốt của khu vực này. Hôm 5/10 vừa qua, giá khí đốt tại châu Âu đã lập kỷ lục khi tăng lên hơn 116 euro/megawatt giờ (134 USD/MWh), gấp hơn 6 lần so với đầu năm nay.
Giá khí đốt tại châu Âu đã giảm nhẹ xuống còn 104,52 euro/MWh (120,8 USD) trong phiên giao dịch 7/10, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng tăng thêm nguồn cung khí đốt cho châu lục này thông qua các sàn giao dịch nội địa cũng như thông qua các hợp đồng dài hạn hiện có.
Theo Tổng thống Putin, nhu cầu tăng đột biến trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh. Bên cạnh đó, một mùa Đông lạnh và sản lượng điện giảm do sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cũng là những yếu tố tác động tới giá năng lượng tại châu Âu.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga lưu ý thêm rằng các nỗ lực của EU nhằm chuyển đổi các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn sang các hợp đồng giao ngay mới đóng vai trò then chốt khiến giá khí đốt tăng vọt. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Moscow không cần phải làm rối loạn thị trường khí đốt và doanh số khí đốt Nga bán cho châu Âu có thể đạt kỷ lục mới trong năm nay./.