Nâng cao thu nhập
Về vùng nông thôn Hà Nội vào những ngày này, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự "thay da đổi thịt" của từng vùng. Những ruộng hoa ly, hoa hồng ở Mê Linh, Từ Liêm đua nhau khoe sắc. Những vườn cam Canh, bưởi Diễn vàng rộm, sai trĩu quả ở Chương Mỹ, Hoài Đức; những ruộng rau xanh mướt ở Gia Lâm, Đông Anh hay những khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Ứng Hòa, Phú Xuyên và các vùng nuôi trồng thủy sản ở Thường Tín, Mỹ Đức… là minh chứng cho cuộc sống sung túc của nông dân ngoại thành.
Trong 3 năm qua, TP đã đầu tư trên 5.000 tỷ đồng và huy động được trên 16.000 tỷ đồng từ các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông thôn qua các dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn và an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 23,7 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,8%. Không những thế, hệ thống các trường học đều được xây mới, cải tạo, nâng cấp; 100% số trạm y tế xã đã có y bác sĩ; các công trình văn hóa, thể thao từ huyện đến thôn đã cơ bản hoàn thiện, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm…
Chăm sóc hoa ở Tây Tựu, Từ Liêm
|
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, với việc tập trung triển khai các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp; cơ cấu lại làng nghề; tổ chức lại sản xuất cùng với sự hoạt động có hiệu quả của các mô hình hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới đã góp phần tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, trên địa bàn TP xuất hiện ngày càng nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cho giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2011.
Sức mạnh của “ý Đảng lòng dân”
Quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, kết quả đáng khích lệ nhất phải kể đến là sự chuyển biến tích cực nhận thức của người dân về lợi ích của công cuộc xây dựng NTM. Sức lan tỏa mạnh mẽ từ các mô hình xã điểm đã khơi dậy tinh thần hăng hái tham gia xây dựng NTM cả trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người. Mỗi ngôi trường, mái nhà mới, mỗi con đường bê tông sạch đẹp đều mang dấu ấn của phong trào xây dựng NTM. Ai có dịp đến thăm xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, chắc hẳn đều cảm nhận được không khí hồ hởi xây dựng NTM của cán bộ và nhân dân nơi đây. Ông Đinh Quang Minh - Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì phấn khởi cho biết: "Cùng với nguồn kinh phí, hỗ trợ của TP, sự chung sức của các doanh nghiệp, nhân dân trong xã đã đóng góp gần 1 tỷ đồng và hơn 200 ngày công để bê tông hóa hàng chục kilomet giao thông liên thôn và giao thông nội đồng".
Triển khai Chương trình xây dựng NTM, TP đã chọn 19 xã điểm ở 19 huyện, thị xã, trong đó có một xã làm điểm của T.Ư là Thụy Hương (Chương Mỹ); 3 xã làm điểm của TP là Song Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì) và 15 xã điểm của các huyện, thị xã. Từ chỗ xuất phát điểm thấp từ 1 - 3 tiêu chí, đến nay hầu hết các xã điểm đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt, với sự chỉ đạo trọng tâm từ TP đến cơ sở và sự vào cuộc của bà con nông dân, đến nay, toàn TP có 55 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, vượt 7 xã so với kế hoạch; 148 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí; 42 xã đạt và cơ bản đạt từ 4 - 9 tiêu chí.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2015, toàn TP có 161 xã đạt chuẩn NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 Nguyễn Công Soái nhấn mạnh: TP cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về Chương trình 02. Kịp thời biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, những cách làm tốt, những điển hình tiên tiến. Tích cực hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả canh tác...