Kinhtedothi - Ngày 29/9 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức Hội thảo “Than và Nhiệt điện than: Những điều chưa biết”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Góp phần vào nỗ lực tìm các giải pháp năng lượng bền vững tiến tới giảm tỷ trọng của nhiệt điện than tại Việt Nam”.
Điện than và những hệ lụy
Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh cho biết, một trong những hệ lụy của nhiệt điện đốt than là ô nhiễm không khí. Hiện ở Việt Nam có 19 nhà máy điện than đang vận hành và hơn 50 nhà máy nhiệt điện than được dự kiến xây dựng trong thời gian tới. Theo bà Khanh, nhiệt điện than tại Việt Nam có những cơ hội như: Được đánh giá là nguồn năng lượng khả thi nhất đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã có kinh nghiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành điện than. Tuy nhiên, nhiệt điện than ở Việt Nam cũng tạo ra các thách thức như: Việc tăng tỷ trọng điện than là đi ngược với xu thế thời đại, mâu thuẫn với các chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiệt điện than tiêu tốn một lượng than khổng lồ, do đó Việt Nam phải nhập khẩu một lượng than lớn, đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng vận chuyển. Cùng với đó là việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu của các nước tiên tiến đã từ bỏ công nghệ này. Tỷ lệ điện than quá lớn (56%) ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; phát thải khí nhà kính lớn, ô nhiễm môi trường sống; chi phí lớn và gánh nặng cho xã hội đối với việc chăm sóc sức khỏe… Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu chế tài kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: Đinh Hòa
|