Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn viên phim Việt: Nhiều nhưng khó nhớ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trả lời cho câu hỏi vì sao công chúng yêu điện ảnh trong nước đa phần "thần tượng" những tài tử, minh tinh nước ngoài, nhiều người cho rằng: Vì điện ảnh Việt thiếu những vai diễn có sức nặng!

Vang bóng một thời

Không phải điện ảnh Việt không có những vai diễn xuất sắc. Những năm 1960 - 1970, điện ảnh Cách mạng đã có Trà Giang (vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên); Như Quỳnh (vai cô Nết trong "Đến hẹn lại lên"), Thế Anh (vai trung úy Phương trong phim "Nổi Gió"; Tố Uyên (vai bé Nga trong "Chim vành khuyên"), Lan Hương (vai Ngọc Hà trong phim "Em bé Hà Nội")... Chỉ một vai diễn, họ đã đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Tới những năm 1975, nền điện ảnh thương mại miền Nam có Thẩm Thúy Hằng và Thanh Nga. Cả hai đều có nhan sắc và nổi tiếng ở nhiều thị trường phim khác như: Philippines, Thái Lan, Hongkong, Nhật Bản… Khi nhắc tới họ, nhiều người nghĩ ngay tới những nhân vật họ đã vào vai, như thể đó là một phần cuộc đời họ.

Đến cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - giai đoạn của phim "mỳ ăn liền" - đã hiện diện một thế hệ diễn viên trở thành thần tượng của giới trẻ: Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh… Hình ảnh của họ dày đặc trên bìa sổ, bưu thiếp, lịch treo tường... Đây là thời kỳ vàng son của các diễn viên Việt, khi giới trẻ đua nhau ăn mặc, để tóc giống họ.

Diễn viên phim Việt: Nhiều nhưng khó nhớ - Ảnh 1

NSND Như Quỳnh trong phim “Đến hẹn lại lên”.

Rồi bẵng đi một thời gian dài, điện ảnh Việt Nam như bị "đóng băng", đội ngũ diễn viên từng tạo được sức nặng vẫn tham gia diễn xuất nhưng không thể làm khán giả… nhớ. Người ta bắt đầu thần tượng các tài tử, minh tinh Hollywood như Julia Roberts, Tom Hanks hay Sandra Bullock… Phim Mỹ, Hàn Quốc thống lĩnh thị trường phim Việt có lẽ cho tới tận khi bộ phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng ra mắt năm 2003 - bộ phim có thể gọi là mở đầu cho dòng phim thương mại Việt.

Thiếu đào tạo bài bản

"Gái nhảy" đánh dấu sự ra đời của một thế hệ diễn viên mới, nhưng cũng "đánh dấu" một thực trạng kéo dài cho đến hiện tại: Màn ảnh Việt có quá ít diễn viên xuất thân đúng nghề. Đa phần họ là ca sĩ, người mẫu "lấn sân" điện ảnh, không được đào tạo bài bản về diễn xuất. Để hóa thân vào vai diễn, họ chỉ tham gia vài khóa đào tạo diễn xuất cơ bản, rồi diễn theo bản năng. Thế nên, xem xong, khán giả không nhớ nhân vật trong phim thế nào, có chăng diễn viên có gương mặt khả ái hay cách ăn mặc gợi cảm... Bởi vậy, không ít người cho rằng, người đẹp "chân dài" đóng phim chẳng khác "bình hoa di động".

Không thể phủ nhận một vài "tay ngang" lấn sân thành công như Ngô Thanh Vân, Thanh Hằng, Trương Ngọc Ánh, Trần Bảo Sơn... Tuy nhiên, dù họ vẫn xuất hiện nhiều trong các phim nhưng khán giả chỉ đếm trên ngón tay những vai diễn đáng nhớ.

Nhiều người trong nghề cho rằng, thực tế đáng buồn này một phần xuất phát từ lối làm phim thương mại, chạy đua thị hiếu của công chúng, đa phần là giới trẻ, thiếu đầu tư về phương diện nghệ thuật. Dường như, những người làm phim hiện đại mới chỉ chú ý đến phần ngọn của "cái cây" điện ảnh để thu lợi nhuận trước mắt, chứ chưa đầu tư đến phần "gốc" để khai thác lâu dài. Nghĩa là để có thể trở về được "thời hoàng kim" (dù đầy rẫy khó khăn thiếu thốn ngày xưa) đưa điện ảnh trong nước phát triển, thì một trong những yêu cầu mang tính sống còn là phải tạo ra một lớp diễn viên có chiều sâu diễn xuất - cái mà điện ảnh Việt đang thiếu. Điều này liệu có quá khó?