Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát chặt chẽ

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ.

Ngày 22/12, thông tin từ Bộ xây dựng cho biết, năm 2023,  tỷ lệ lập Quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị.

Quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính khoảng 39%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 23% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 98,9%, số liệu này giảm so với các năm trước do một số xã tại các địa phương thực hiện sáp nhập nên đang tiến hành rà soát lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch.
Năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch.

Về lập quy hoạch quốc gia đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập, trình và được Hội đồng thẩm định Quy hoạch đô thị nông thôn tổ chức thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 205019. Hiện Bộ Xây dựng đã báo cáo Hội đồng thẩm định số 221/BC-BXD ngày 25/11/2023.

Ngoài ra, Bộ đã góp ý 5 quy hoạch vùng: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên và 55 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về công tác lập, thẩm định các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng theo phân cấp, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 14 Nhiệm vụ và 15 Đồ án quy hoạch.

Về công tác quản lý đô thị, trong năm 2023, đã công nhận loại cho 30 đô thị gồm 3 đô thị loại II, 1 đô thị loại III; 2 đô thị loại IV, 24 đô thị loại V; 14 đô thị được thành lập mới (3 thị xã, 11 thị trấn), 1 thị trấn điều chỉnh mở rộng, 2 đô thị thành lập thêm phường. Tính đến hết năm 2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V.

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết chặt chẽ giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch (quy hoạch đô thị với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh).

Bộ tham gia góp ý, xây dựng nội dung và thẩm định các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch vùng theo tiến độ chung và phối hợp với các địa phương trong xây dựng nội dung quy hoạch xây dựng của quy hoạch tỉnh.

Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ.

Đồng thời, Bộ tổ chức thẩm định các nhiệm  vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ khi cơ quan tổ chức lập quy hoạch trình; tổ chức thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng theo quy định; cho ý kiến về đồ án đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị từ loại IV trở lên và các quy hoạch xây dựng các khu chức năng khác theo pháp luật hiện hành…

Trong công tác quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu hồ sơ xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản pháp luật hướng dẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả;

Nghiên cứu, tổ chức xây dựng Chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026 - 2030. Ban hành và triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị năm 2024…