Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh quy hoạch tạo đột phá không gian cho Đà Nẵng

Bài, ảnh: Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐND TP Đà Nẵng vừa thông qua Đồ án quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đánh giá chung, đồ án lần này đã bổ sung một số chỉ tiêu hết sức quan trọng để có thể hướng đến một TP động lực mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị (về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã xác lập.
Những điểm cộng về không gian sống
Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng chỉ ra những “điểm cộng” của đồ án như: Tăng tỷ lệ cây xanh lên rất đáng kể; xác định rõ diện tích đất cây xanh chứ không nói chung chung như trước đây là diện tích cây xanh; tỷ lệ đất giao thông, đặc biệt đất dành cho các bãi đỗ xe hay tỷ lệ đất dành cho công trình công cộng.
“Ngoài ra, lần đầu tiên trong đồ án quy hoạch xuất hiện thuật ngữ mà theo tôi đã tiếp cận được với quy hoạch đô thị tiên tiến thế giới, ví dụ như: Vành đai xanh, lõi xanh, ngưỡng sinh thái, cân bằng sinh thái…”- ông Hùng nói.
 Đà Nẵng đã thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
Hiện đồ án mới được thông qua, tức chỉ mới là bước khung của đô thị. Sau này, khi được Thủ tướng chấp thuận phê duyệt thì Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm như xây dựng chương trình phát triển đô thị, lập đồ án phân khu, thiết lập các thiết kế đô thị…
Tuy nhiên, ông Tô Văn Hùng cũng nhấn mạnh đến những thách thức trong quá trình hiện thực hóa đồ án quy hoạch chung sắp tới. “Nghị quyết 43 xác định sau năm 2020, Đà Nẵng tăng trưởng trên 20%, trong khi đó thực tế tăng trưởng khoảng trên dưới 7%. Vậy cơ hội để tăng trưởng kinh tế chính là việc tạo ra các dư địa, triển khai các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư”- ông Hùng bày tỏ.
Thách thức tiếp theo là phải tạo ra một môi trường phát triển bền vững. Đà Nẵng đã có đề án TP môi trường 10 năm; sắp tới TP sẽ trình HĐND thông qua đề án tiếp tục xây dựng TP môi trường đến năm 2025. Để làm được điều này thì quy hoạch chung phải giải quyết rất nhiều vấn đề môi trường. Và trong quy hoạch lần này đã tiếp cận để giải quyết những bất cập hiện nay, ví dụ như xử lý bãi rác Khánh Sơn, Âu thuyền Thọ Quang hay kênh Phú Lộc.
“Quá trình thực hiện, tôi đề nghị cần quan tâm, phải phục hồi lại những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cũng như khu vực tổn thương trong quá trình phát triển đô thị thời gian qua”- Giám đốc Sở TN&MT TP Đà nẵng góp ý.
Bảo đảm xóa nghèo bền vững
Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà trong quá trình triển khai đồ án cần quan tâm. Đồ án quy hoạch không chỉ là vấn đề tổ chức không gian mà cần phải thiết lập, tạo nên nhiều cơ hội việc làm cho người dân, hướng đến mục tiêu xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó cần xác lập mối quan hệ hết sức bền chặt giữa khu vực đô thị và nông thôn, cũng như trung tâm và khu vực ngoại vi TP.
“Thực tế đã có thời gian chúng ta xem nông thôn như là khu vực để giải quyết bất cập của đô thị, đây là điều hết sức bất cập. Vì thế, cần tiếp cận khu vực nông thôn là một khu vực phụ trợ cho đô thị, là khu vực có thể cung ứng nguồn lao động cho đô thị, hơn nữa phải là khu vực có thể gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống của TP. Đặc biệt, khu vực nông thôn về lâu dài phải là vành đai xanh để bảo đảm cân bằng sinh thái”- đại diện Sở TN&MT Đà Nẵng phân tích.
Từ yêu cầu này, một vấn đề quan trọng khác được chỉ ra đó là phải biến quy hoạch chung trở thành nguồn lực. Bởi để thực hiện đồ án thì nguồn ngân sách TP rất giới hạn, chỉ đầu tư những vấn đề hết sức cơ bản, còn lại nguồn lực phải từ xã hội, nhà đầu tư, người dân. Cho nên, càng sớm cụ thể hóa quy hoạch chung thành những dự án để có thể kêu gọi đầu tư. 

Tầm nhìn đồ án hướng TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Mục tiêu đồ án xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.