Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều chỉnh quy hoạch tổng thể Thủ đô: Định hình nông nghiệp Hà Nội thế nào?

Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19, Hà Nội cũng đang khẩn trương triển khai điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Hà Nội theo định hướng tích hợp đa ngành. Vậy nông nghiệp, nông thôn Hà Nội sẽ được định hình như thế nào trong bản quy hoạch này?

 
Hậu phương vững vàng của Thủ đô
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ 24/7/2021. Đây không còn là chuyện lạ khi Hà Nội đã trải qua gần 2 năm trong trạng thái dịch bệnh, làm cho toàn xã hội không còn bình thường mà ta gọi là “trạng thái bình thường mới” đầy cam go, thách thức. Nhưng vượt lên tất cả, Hà Nội vẫn trụ vững, vượt qua, trong đó dễ thấy tuy không còn sự nhộn nhịp phồn hoa như trước nhưng cuộc sống hàng ngày vẫn được duy trì một cách nhịp nhàng. Đó chính là một phần nhờ vào dòng chảy thực phẩm, đồ ăn thức uống vẫn được đảm bảo.

Hà Nội có khoảng hơn 8 triệu người, không kể lượng lao động tự do, vãng lai vì thế nhu cầu thực phẩm rất lớn. Vốn có vành đai xanh là vùng nông nghiệp rộng lớn, đáp ứng được 2/3 nhu cầu. Vành đai sản xuất và cung ứng thực phẩm Hà Nội có nhiều lợi thế hơn TP Hồ Chí Minh, ngoài vùng sản xuất nông nghiệp bao quanh các quận nội thành còn các tỉnh nông nghiệp lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… nằm trong Đồng bằng châu thổ sông Hồng, khoảng cách vận chuyển dưới 50km đường bộ thuận tiện.

Vùng nông nghiệp chuyên canh lúa quanh Hà Nội đã chuyển dịch sang sản suất thực phẩm hàng hóa hơn 10 năm qua, bao gồm sản xuất, thu mua, chế biến, phân phối… Do vậy, ngay cả khi giãn cách triệt để thì cả vùng nông thôn quanh trung tâm Hà Nội ổn định vì có tới 70% địa bàn dân cư tự sản tự tiêu. Bà con nông dân mưu sinh sáng đi, tối về “ly nông bất ly hương”. Trong nội thành, phần lớn bà con lao động thời vụ/dịch vụ về nhà, chỉ còn 30% dân cư tại chỗ… chuỗi cung ứng cũng không bị ảnh hưởng. Điều này rất khác với TP Hồ Chí Minh, thực phẩm, rau củ chuyển xa từ Đà Lạt, miền Tây, khi bị phong tỏa chặt là ảnh hưởng tức thời.

Sản lượng tự cung đạt 60 - 65% với đa dạng sản phẩm chất lượng cho thấy nông nghiệp quanh Hà Nội tự chuyển đổi nhanh nhưng còn nhiều thách thức. Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang đô thị, công nghiệp, hệ thống thủy lợi tưới tiêu bị phá hủy, chia cắt. Không có dự án lớn nào đầu tư cho sản xuất nông nghiệp; lao động nông nghiệp giảm số lượng và chất lượng...

Nguy cơ thoái hóa nguồn nước và đất do không có chiến lược phục hồi, bỏ mặc cho sản xuất tự phát. Khi sông hồ ô nhiễm thì khai thác nước ngầm tràn lan để chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều vùng nông thôn ô nhiễm môi trường trầm trọng do rác thải, nước thải, khí thải. Hệ thống thu mua, chế biến, phân phối phần lớn tự phát, không có mô hình thích hợp dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và không ứng phó chủ động trước tình huống dịch bệnh. Ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì nguy cơ xuất hiện dịch bệnh gia cầm, lợn, bò và rau củ vẫn có thể lặp lại với tần suất và quy mô khó lường.

Nông nghiệp không chỉ là cung cấp thực phẩm

Trong nền kinh tế phát triển, tất cả ngành nghề liên quan có quan hệ mắt xích với nhau tạo nên chuỗi giá trị tuần hoàn. Nông thôn Hà Nội có thể là nơi cung cấp thực phẩm chất lượng cao, giá trị lớn cho cư dân trong và ngoài TP nhưng nó cũng là nơi tiếp nhận nguồn vật chất từ TP chuyển đến đó là tiền bạc, công nghệ kèm theo những ưu đãi do giảm phát thải.

Để làm được điều này, Hà Nội cần chuyển đổi mô hình chuyển hóa vật chất tuyến tính một chiều (One-way) sang tuần hoàn (Cycle). Hiện tại, dư lượng dưỡng chất hữu cơ trong nước thải, rác thải đô thị, nông thôn Hà Nội đang được thu gom, xử lý theo hướng tập trung để đốt và xử lý, toàn bộ tro xỉ đốt rác cũng như bùn thải độc hại chỉ dùng để chôn lấp gây lãng phí. Mỗi năm Hà Nội phải chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý, chôn lấp và cũng chi ra không ít tiền để mua phân bón, hóa chất sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, để tiết kiệm cần có phương án tái sử nguồn tài nguyên lớn từ rác thải, nước thải. Tại Tokyo (Nhật Bản) mô hình đã được thực hiện từ hàng trăm năm. Chỉ tính riêng khu vực trung tâm Tokyo rộng hơn 600km2, hơn 9 triệu dân đã hình thành mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác toàn diện… Kể cả phế thải xây dựng cũng được nghiền, sàng làm cốt liệu hay cát nhân tạo. Chỉ còn 20% rác thải không tái dụng được đốt trong 28 nhà máy phát điện rác phân đều trong 23 quận trung tâm, các nhà máy điện rác thường bố trí trong cùng khu liên hợp xử lý nước thải: Nước rỉ rác được quay vòng xử lý, điện nhà máy đốt rác cấp cho nhà máy xử lý nước thải. Trong 10 lưu vực thu gom nước thải có 16 nhà máy xử lý nước thải bố trí gần các con sông để toàn bộ nước sạch sau xử lý cấp lại nước sông, biển. Các nhà máy xử lý nước thải ngầm bên trên làm không gian công cộng, bể bơi, công viên, trung âm thể thao, toàn bộ tro xỉ được chôn lấp theo quy hoạch, bùn thải làm phân bón cho nông nghiệp…

Mô hình này Hà Nội có thể tham khảo khi thời gian tới thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung toàn TP. Các quy hoạch hạ tầng, nông nghiệp có thể được tính toán tích hợp nhằm phục vụ phát triển vành đai xanh nông nghiệp một cách căn cơ, bền vững. Để đây thực sự là khu vực không chỉ cung cấp thực phẩm chủ lực cho Hà Nội mà còn là khu vực sinh thái, môi trường xanh của TP.