Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Điều hòa” quản lý để làm chủ biển khơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp toàn thể. Dự án được kỳ vọng hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, tạo bước chuyển mạnh mẽ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Chồng chéo trong quản lý

Việt Nam là quốc gia có diện tích mặt biển trên một triệu kilômét vuông, bờ biển dài hơn 3.200km, 3.000 đảo lớn nhỏ. Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta rộng gấp hơn ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, do tài nguyên biển và hải đảo được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ông Phạm Ngọc Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng chỉ ra sự chồng chéo lẫn nhau khi quản lý tài nguyên theo chuyên ngành. Cụ thể, quá trình khai thác và nuôi trồng thủy sản có thể ảnh hưởng đến du lịch; khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đến di tích, cảnh quan môi trường… “Nếu chúng ta chỉ tổ chức quản lý khai thác tài nguyên theo chuyên ngành sẽ nảy sinh nhiều bất cập, đòi hỏi phải áp dụng cách quản lý mới là quản lý tổng hợp. Bên cạnh đó, Luật Biển Việt Nam mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu và chưa đồng bộ. Do đó, chúng ta phải nâng tầm pháp lý, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp để có sự thống nhất trong cách quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển, hải đảo, bảo vệ được môi trường, di tích, và an ninh quốc phòng” - ông Sơn chia sẻ.

Điều phối các hoạt động quản lý

Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo lần này nhằm thể chế hóa phương thức quản lý tổng hợp dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm nguyên tắc không làm thay quản lý ngành mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành.

Luật mới cũng hướng đến mục tiêu khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý ngành, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên môi trường và các hệ sinh thái biển. Từ những kế thừa của Luật biển Việt Nam, Luật mới được kỳ vọng thiết lập khung pháp lý đồng bộ, tạo ra được bước chuyển biến mạnh mẽ với phương thức quản lý toàn diện, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ được môi trường biển, hải đảo và an ninh quốc phòng của đất nước.

Ông Phạm Ngọc Sơn khẳng định, Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo được xây dựng với phương châm không làm thay đổi luật chuyên ngành, không chồng chéo lên luật khác. Do vậy, Luật mới không đi vào cụ thể việc quản lý, khai thác tài nguyên biển như thế nào, mà chỉ đề ra cơ chế phối hợp giữa các ngành, các giải pháp đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững, môi trường biển được bảo vệ.