Theo HSBC, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm tốc đáng kể trong năm 2011 do phải cố gắng thoát khỏi tình trạng nợ xấu và nhiều khó khăn khách quan của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự giảm tốc này là điều cần thiết để các nhà quản lý đưa ra giải pháp phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế đã tồn tại nhiều năm nay. Vì thế, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải kiên nhẫn để thoát khỏi tình trạng nhu cầu trong và ngoài nước đang yếu đi.
Xung quanh một số đồn đoán về khủng hoảng của ngành ngân hàng, HSBC tin rằng nền kinh tế vẫn đủ mạnh để có thể thực hiện được quá trình giảm nợ. Các “ngôi sao” của nền kinh tế vẫn tiếp tục tỏa sáng: Xuất khẩu tiếp tục tạo ra thu nhập cao cho nền kinh tế và khu vực dịch vụ vẫn mạnh mẽ. Dù xăng dầu liên tiếp trải qua các đợt tăng giá nhưng lạm phát đã giảm từ 5,5% trong tháng 7 xuống còn 5,0% trong tháng 8, thúc đẩy hoạt động của các nhà hàng, khách sạn.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đó giúp Việt Nam thu hút du khách, đẩy tăng doanh số bán hàng của khu vực dịch vụ và du lịch. Trong khi nhu cầu của toàn cầu đang suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu cũng khả quan khi tăng 8%. Đặc biệt, việc nhập khẩu các mặt hàng như máy may, linh kiện điện tử và thép – những yếu tố cấu thành nên các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt tăng mạnh, đã tạo cơ sở để tin rằng xuất khẩu chắc chắn sẽ gia tăng trong những tháng tới.
Các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh, những diễn biến tích cực trên của kinh tế Việt Nam sẽ không thể có được nếu như không có quyết tâm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần đưa ra giải pháp cải cách kiên nhẫn hơn để có thể giảm bớt nợ xấu và tạo nên hệ thống kinh tế hoạt động hiệu quả hơn. Với sự kiên nhẫn và những cải cách mạnh mẽ, HSBC tin rằng điều tốt đẹp sẽ đến với kinh tế Việt Nam. Khi sóng gió đã qua đi, kinh tế Việt Nam sẽ trở nên quy củ hơn, sẵn sàng cạnh tranh cùng các đối thủ khác trên thương trường toàn cầu.