Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều tra thân thiện trong các vụ án xâm hại trẻ em

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công an các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện”; bảo đảm 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm xâm hại trẻ em (XHTE) phải được khởi tố.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE.
Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống XHTE nói riêng được ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống XHTE đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn có hạn chế, bất cập. “Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình XHTE sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng” - Nghị quyết 121 của Quốc hội nêu rõ và quy định các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
Trong năm 2020, các Bộ GD&ĐT,  Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: Oanh Trần.
Theo nghị quyết 121, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống XHTE.
Trong năm 2020, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chính phủ rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em.
Chính phủ đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ XHTE; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào những hoạt động trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bố trí kinh phí phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em.
Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình XHTE. Định kỳ hằng năm, Bộ LĐTB&XH tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống XHTE.
Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Ảnh: Oanh Trần. 
Cũng trong năm 2020, Bộ GD&ĐT,  Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL ban hành Chương trình phòng, chống XHTE; Bộ Y tế ban hành Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ VHTT&DL ưu tiên xây dựng các các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em; tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động du lịch lữ hành nhằm phòng ngừa nguy cơ XHTE. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại; các tổ chức giám định pháp y ưu tiên giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại.
Bộ Công an ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án XHTE; đẩy mạnh triển khai mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm XHTE trên môi trường mạng. Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm XHTE phải được khởi tố.
Về phía HĐND các cấp ban hành nghị quyết để thực hiện và tăng cường giám sát triển khai chính sách, pháp luật về trẻ em, trong đó có nội dung phòng, chống XHTE. Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, bố trí kinh phí phù hợp cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Các địa phương bảo đảm trẻ em có nguy cơ xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, các trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp can thiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống XHTE. Đồng thời, bố trí công việc hợp lý cho cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.