Đối với trẻ phải hóa trị để điều trị ung thư, trẻ sẽ mất cảm giác thèm ăn. Vì vậy, cha mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Lên kế hoạch cho thực đơn hàng ngày bằng cách hỏi trẻ thích ăn gì.
Chú trọng tới chất lượng của mỗi lần ăn – chọn thực phẩm giàu protein và năng lượng, chuẩn bị các thực phẩm có hương vị và cách trình bày hấp dẫn. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm cay, nóng, rán nhiều dầu mỡ, quá ngọt và nhiều đường...
Những trẻ phải trải qua quá trình hóa trị thường hay bị thay đổi vị giác, đặc biệt là cảm giác với vị đắng. Có thể xảy ra tình trạng đột nhiên không thích một số loại đồ ăn nhất định. Khi đó, nên cho trẻ súc miệng với nước trước khi ăn, thử ăn hoa quả họ cam quýt như cam, quýt, chanh, nho, trừ khi đang bị viêm miệng; ăn các bữa ăn nhẹ vài lần một ngày; ăn khi có cảm giác đói hơn là chỉ ăn vào các giờ ăn cố định; Thử các đồ ăn có protein nguồn gốc thực vật như gluten, đậu phụ, đậu hạt; ăn thịt kết hợp với thứ gì đó ngọt, ví dụ như mứt cam, sốt táo…
Những trẻ bị giảm bạch cầu thường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Các hướng dẫn sau đây có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng khi bạch cầu bị giảm: Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm trước khi mua và sử dụng; trữ đồ ăn trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng; nấu ngay sau khi thực phẩm đã hết lạnh; cất vào tủ lạnh các đồ ăn còn thừa trong vòng 2 giờ sau khi nấu và ăn trong vòng 24 giờ; tránh các loại rau quả đã bị mốc và hỏng…
Việc ăn bằng đường miệng vẫn luôn là hình thức được ưa chuộng hơn cả , nhưng đối với một số trẻ lại không ăn được một chút nào hoặc ăn không đủ lượng do các biến chứng gây ra bởi bệnh ung thư và quá trình điều trị ung thư. Đó có thể là những trẻ bị ung thư vùng đầu, cổ, thực quản hay dạ dày.
Trẻ có thể được áp dụng dinh dưỡng qua đường tiêu hóa (dùng ống dẫn thức ăn). Trẻ sẽ được cung cấp một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thành phần của thức ăn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ và hình thức ăn.