Năm Nhâm Dần (1602), chúa Nguyễn Hoàng thành lập Dinh trấn Quảng Nam (còn gọi là Dinh trấn Thanh Chiêm) ban đầu tại xã Cần Húc, sau dời về xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên |
Dinh trấn Thanh Chiêm được xem là Thủ phủ thứ hai ở Đàng Trong. Dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là nơi thực tập việc quản lý, điều hành đất nước của các thế tử. Nơi đây cũng từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, là bàn đạp để tiến vào phía Nam. Tại Thanh Chiêm còn có trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên, do linh mục Francisco de Pina đảm trách. Hội thảo khoa học lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 70 tham luận và báo cáo nghiên cứu liên quan đến chữ Quốc ngữ cùng Dinh trấn Thanh Chiêm. Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng, các chúa Nguyễn đã chọn Thanh Chiêm lập nghiệp và qua nhiều hội thảo chuyên sâu, nhất là tại hội thảo này lại thêm khẳng định, Thanh Chiêm là nơi khai sinh, phát tích ra chữ Quốc ngữ và sau đó đã phát triển thành tiếng Việt ngày nay. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHLS Việt Nam cho biết, Thanh Chiêm không phải là nơi duy nhất, nhưng với những chứng cứ và tài liệu thu thập, những nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, đây là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ sơ khai. Kết luận hội thảo, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tái khẳng định, tại Thanh Chiêm, từ năm 1617 - 1625 linh mục Francisco de Pina đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu hình thành chữ Quốc ngữ... Lúc đầu, ông đã học tiếng Việt, truyền đạo bằng tiếng Việt và dạy cho 2 giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Pháp) và Antonio Fonte (người Bồ Đào Nha). Bên cạnh đó, tại Thanh Chiêm còn có Trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên do linh mục Francisco de Pina đảm trách. Do đó, rất mong sự quan tâm, ghi nhận của các cấp, các ngành để gìn giữ và phát huy Thành Chiêm xứng tầm với lịch sử.